Kinh doanh homestay là lĩnh vực khá thu hút vì không cần nhiều vốn, tốn ít công sức và có khả năng thu lại lợi nhuận nhờ việc du lịch đã dễ dàng hơn. Tuy nhiên, không ít homestay đã phá sản dù trước đó khá nổi tiếng, đặc biệt là sau đợt Covid-19 vừa rồi. Vậy trong mùa dịch vắng vẻ này, hãy nhìn lại cách bạn vận hành doanh nghiệp của mình xem, vì biết đâu bạn đã kinh doanh homestay sai cách mà chưa nhận ra.
1. Không có mục tiêu, kế hoạch kinh doanh
Nếu như không có mục tiêu rõ ràng, homestay của bạn giống như một cây leo không có trụ bám, phát triển không tập trung hoặc không có đột phá, dẫn đến sự thất bại ngay trước mắt.
Ứng với mỗi hạng mục kinh doanh, bạn cần chỉ ra được một kế hoạch cụ thể, ít nhất là trong ngắn hạn từ 3 - 6 tháng. Ví dụ:
- Về mặt marketing, bạn cần đưa ra kế hoạch "3 tháng" như: Sau 3 tháng thì các kênh Instagram/Facebook... cần đạt chỉ số gì, một ngày đăng bao nhiêu bài; các kênh OTA cần phải thể hiện đầy đủ thông tin gì, bán được bao nhiêu phòng qua các kênh này; sau 3 tháng, nếu kết quả không như mục tiêu thì bạn cần làm gì hoặc nếu đã gần đến mục tiêu, bạn cần làm gì khác để trở nên nổi bật hơn...?
- Về mặt chi phí: Bạn cần chi những gì (nội thất, tiện ích, điện - nước, phí quảng cáo...) và cần thu lại nó bằng cách nào, tối thiểu là sau bao lâu từ lúc homestay đi vào hoạt động...
...
Ngoài ra, một người kinh doanh homestay sai cách sẽ không có được sự đồng thuận, đoàn kết từ nhân viên vì cấp dưới không hiểu, không biết họ phải làm gì và cố gắng vì điều gì. Kết quả sẽ cho ra một tập thể “mạnh ai nấy làm”, không liên kết thành một khối và không có mục tiêu chung để cùng cố gắng, phát triển homestay một cách mạnh mẽ.
2. Mua sắm nội thất theo ý thích cá nhân
Loại kinh doanh homestay sai cách này cũng bị khá nhiều chủ homestay mắc phải/ Không thể phủ nhận một điều rằng nội thất, tiện nghi bên trong homestay rất quan trọng và cần thiết để nói lên chất lượng của homestay.
Tuy nhiên, hãy chắc chắn rằng những thứ bạn thích thì phần đông khách hàng cũng sẽ thích. Tốt nhất nên nghiên cứu thị trường/tâm lý khách hàng... để tìm ra phong cách đang được ưa chuộng và trong tầm giá để tập trung theo đuổi, không tiêu xài linh tinh mà kém hiệu quả.
Bạn cũng nên tìm hiểu và xin sự tư vấn về các thiết bị điện như điều hòa, tủ lạnh… về các thông số kỹ thuật sao cho phù hợp với đặc điểm của homestay.
3. Không đầu tư vào bộ phận lễ tân
Bộ phận lễ tân là bộ mặt, là đại diện hình ảnh của homestay và là người đầu tiên mà khách hàng tiếp xúc. Nếu như bạn không đào tạo bài bản cho lễ tân, homestay của bạn sẽ có thể mất đi một lượng khách hàng đáng kể, hình ảnh khách hàng cũng không còn đẹp trong mắt khách hàng.
Đừng ngại chi trả mức lương và các khoản đãi ngộ phù hợp cho vị trí này, bạn có thể mất đi vài triệu mỗi tháng nhưng lại kiếm được hàng chục triệu đồng từ khách hàng. Đây cũng chính là điểm ghi lại dấu ấn đậm nét trong lòng khách hàng.
4. Không đầu tư vào hình ảnh trên mạng xã hội và OTA
Theo wearemarketing.com. hơn 40% người dùng dưới 30 tuổi xem yếu tố "ăn ảnh" (Instagramable) của điểm đến là "đòn" quyết định xem họ có chọn đó làm nơi dừng chân hay không. Bởi vậy, đầu tư một bộ ảnh chỉn chu, hiện đại về homestay của bạn và đăng tải chúng lên mạng xã hội của kênh, các kênh OTA hoặc khuyến khích khách hàng check in tại homestay là một chiến lược mà bạn sẽ không hối tiếc.
5. Chặt chém giá phòng mùa cao điểm
Một chính sách kinh doanh homestay sai cách là chặt chém giá phòng trong mùa cao điểm du lịch, trong khi dịch vụ thì vẫn như vậy. Cách làm này dù có thể giúp bạn tăng doanh thu trong thời điểm đó nhưng sau này bạn sẽ mất đi một lượng lớn khách hàng tiềm năng.
Hãy cố gắng bình ổn giá dịch vụ, cung cấp các dịch vụ hoàn hảo với chất lượng tốt nhất để xây dựng tình cảm trong lòng khách hàng. Nếu biết tính toán đường xa, homestay của bạn chắc chắn sẽ đạt mức doanh thu mong đợi và hình ảnh, vị trí homestay của bạn cũng sẽ vững chắc hơn trong ngành dịch vụ.
6. Tiết kiệm không đúng chỗ
Trong kinh doanh, bạn không nên quá chi li những khoản tiền không đáng. Đặc biệt là những chi phí nhỏ nhưng làm khách hàng không hài lòng và chắc chắn sẽ không bao giờ quay lại homestay của bạn. Đừng tiếc tiền đầu tư vào những vật dụng chất lượng tốt để khách hàng cảm thấy thoải mái, như: một bộ drap êm ái, đồ vệ sinh cá nhân có nhãn mác hoặc những chiếc dép đi trong nhà… đều sẽ giúp bạn tạo được ấn tượng tốt với khách hàng, ghi điểm tuyệt đối trong lòng họ và quyết định trực tiếp đến doanh thu và lượt khách đến với homestay.
7. Không lập quỹ dự phòng dù có thể
Qua đợt dịch Covid-19 vừa rồi, nhiều chủ homestay đã nhận ra tầm quan trọng của quỹ dư phòng. Chúng tôi hiểu, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ lực để có quỹ dự phòng, hoặc bạn đang cần đầu tư song song vào dự án khác.
Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ khoảng thời gian bấp bênh này, hãy dần xây dựng một quỹ dự phòng khi có thể bằng cách tiết kiệm hợp lý/tránh những khoảng chi không cần thiết cho cá nhân/mua sắm cho homestay dù homestay chưa cần được chỉnh trang...
Trên đây là 7 trường hợp kinh doanh homestay sai cách mà TravelMag muốn nhắc bạn lưu ý. Hy vọng rằng bài viết này sẽ có ích với bạn và chúc bạn luôn thành công trong mọi lĩnh vực.
Bài liên quan Làm đẹp homestay mùa dịch: Scandinavia là gì, vì sao nên thử? Chiêu cho homestay 'bội thu' review 5 sao trên kênh OTAs Đừng để 'tình tan vỡ' vì thiếu kinh nghiệm chọn homestay