Trương Mỹ Châu là cô gái sinh năm 1990, quê ở Gia Lai. Hiện cô đang làm kỹ sư nông nghiệp, công tác tại một nông trại ở Bình Thuận. Cô gái sinh năm 1990 này có thân hình nhỏ nhắn, cân nặng chỉ 39 kg. Tuy nhiên, cô có sức khỏe và độ bền, dẻo dai hơn những cô gái khác.
Thời gian qua, Mỹ Châu được cộng động trekking tại Việt Nam chú ý vì loạt ảnh check-in cùng top 15 đỉnh núi cao nhất Việt Nam. Chia sẻ về điều này, Mỹ Châu cho biết cô thực hiện nó trong thời gian 2 năm, có lần còn leo một loạt 5 đỉnh núi trong chuyến đi Tây Bắc.
Trò chuyện cùng TravelMag, cô kỹ sư nông nghiệp chia sẻ về những trải nghiệm trong hành trình thú vị của mình.
- Mỹ Châu bắt đầu đam mê xê dịch ra sao? Chuyến leo núi đầu tiên của bạn có gì đặc biệt?
Lần đầu tiên mình bắt đầu tham gia vào bộ môn trekking là chuyến chinh phục Mũi Đôi ở Khánh Hòa vào năm 2017. Sau chuyến đi ấy trở về, mình bắt đầu leo thêm vài cung núi trong miền Nam và khu vực Tây Nguyên như: Bà Đen, Chứa Chan, Ngọc Linh…
Tiếp đến, mình bắt đầu tìm hiểu về các núi ngoài Bắc. Dự định ban đầu thật ra chưa phải là chinh phục các đỉnh núi, mình chỉ định đi đủ “4 cực, 1 đỉnh, 1 ngã ba” đó là: 4 điểm cực Đông - Tây - Nam - Bắc của tổ quốc, đỉnh Pansipan và ngã ba Đông Dương.
Sau đó, có vài người bạn rủ mình leo cung Bạch Mộc Lương Tử ở Lào Cai, thế là mình quyết định đi. Lần đầu tiên được leo núi ngoài Bắc phải nói là, đi đến đâu “mắt chữ O mồm chứ A” tới đó vì mọi thứ quá đẹp. Tất cả mây trời, gió núi, cây cối... như hòa quyện vào nhau tạo nên một bức tranh tuyệt mỹ. Sau chuyến đi đó trở về, mình bắt đầu tìm hiểu các đỉnh núi còn lại và đặt thêm mục tiêu chinh phục.
- Đa số mọi người đều thích leo núi với bạn bè, vì sao bạn chọn đi một mình với porter?
Thật ra vẫn có đỉnh mình đi cùng bạn bè, hoặc đôi khi không quen biết từ trước, mà vô tình gặp nhau trên núi, thế là ghép lại đi chung cho vui.
Mình hay đi theo ngẫu hứng, chỉ cần sắp xếp công việc thấy ổn thỏa là đặt vé máy bay đi luôn. Không kế hoạch, không chờ đợi…nên rất ít bạn có thể theo được. Vì đa phần mọi người khi đi xa thường phải lên kế hoạch trước, và đôi khi lên kế hoạch mà hẹn hò đông còn hay bị "bể". Mình thích sự chủ động nên quyết là làm, đi ngay và luôn (cười).
- Là con gái, việc đi vào rừng núi hiểm trở đã khó khăn, đằng này bạn còn đi với với một người không thân quen, có bao giờ bạn cảm thấy sợ?
Nhiều bạn bè mình cũng hay nói: "Mày con gái, đi vào rừng núi một mình với porter không hề quen biết vậy mà không sợ lỡ bị cướp, hiếp hay bán sang Trung Quốc à”. Mà thật sự, hồi đó đi mình không nghĩ gì tới mấy việc đó luôn.
Đôi khi có những porter lạ, lần đầu tiên mình kết nối với họ để dẫn mình leo, chỉ tìm hiểu sơ qua Facebook, thế là liên lạc rồi đi. Không hiểu sao mình luôn có một sự tin tưởng nhất định với các bạn ấy. Và sự thật khi tiếp xúc thì tất cả đều rất tốt bụng, dễ thương, gần gũi, nhiệt tình…
Riêng bản thân mình trước giờ vẫn hay đi ngao du một mình kiểu vậy, trong người lúc nào cũng sẵn dao. Mình có một chiếc balo chuyên dụng, luôn đầy đủ dụng cụ, lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng. Khi nào quyết định đi, mình chỉ cần nhét vài bộ đồ là lên đường. Hơn nữa, trước đây mình có học võ 5 năm nên cũng cảm thấy khá tự tin. Nhưng niềm tin lớn nhất của mình là tin vào sự tử tế của con người nơi ấy.
- Một cô gái có thân hình nhỏ nhắn, cân nặng 39 kg lại có thể leo được top 15 đỉnh núi cao nhất Việt Nam, bạn có bí quyết gì?
Thật ra cũng không có bí quyết gì cả, mình đi cũng bình thường, những lần đầu leo mình vẫn bị đau chân như mọi người thôi. Nhưng đi dần sẽ quen, sẽ có kinh nghiệm. Thêm nữa chọn trang phục và giày phù hợp cũng sẽ hỗ trợ một phần rất lớn trong những chuyến đi.
- Nhiều người nghĩ thân hình ốm yếu sẽ khó theo đuổi được bộ môn này, nhưng chị đã chứng minh được điều ngược lại. Bạn có suy nghĩ gì với những ý niệm kia?
Mình ốm nhưng không yếu. Bản thân mình vốn làm nông, dầm sương dãi nắng cũng quen nên sức khỏe khá dẻo dai, đặc biệt là sức bền, nên khi tham gia bộ môn này mình cảm thấy rất tự tin.
Theo mình, không phải vấn đề là ốm yếu hay mập mạp. Quan trọng chịu đi, chịu rèn luyện, cố gắng vượt lên chính mình thì ai cũng đi được cả.
- Bạn rèn luyện sức khỏe, thể lực thế nào để có thể đáp ứng cho những chuyến đi có phần khó và mạo hiểm như thế?
Thật ra mình không rèn luyện thể dục thể thao hàng ngày. Công việc của mình thường ở ngoài lô ngoài đồng, đi nắng đi gió cũng chẳng khác đi leo núi là bao, có chăng lúc làm việc thì đầu óc không được thư thái như khi đi leo núi mà thôi.
Còn về cảnh vật, khi làm việc ở nông trại, hàng ngày ngắm từng cái cây, ngọn cỏ lớn lên.. đó như đứa con tinh thần mà mình yêu quý cũng không khác gì cảnh mây núi ngoài Tây Bắc, mỗi cái đều mang vẻ đẹp riêng. Và quan trọng nhất là chúng mang lại niềm vui, hạnh phúc cho mình.
- Người ta leo núi vì muốn chinh phục, muốn mạo hiểm, người lại thích có những bức ảnh đẹp, những câu chuyện hay, với bản thân bạn, lý do cho những chuyến đi là gì?
Mình cũng thích chinh phục, thích mạo hiểm, thích khám phá những điều mới mẻ…tìm hiểu về các loài thực vật trên núi. Vì sau mỗi chuyến đi trở về, kiểu gì mình cũng biết thêm vài loài cây, món ăn hay tập tục, truyền thống gì đó của người bản địa…
Điều quan trọng nhất, khi leo núi mình khám phá được giới hạn của bản thân.
- Bạn sắp xếp thời gian, công việc và kinh tế thế nào để có thể vẹn toàn đam mê xê dịch và cuộc sống thường nhật?
Những chuyến đi của mình được tích góp từ tiền lương, mình luôn cố gắng tiết kiệm và đi với chi phí thấp nhất. Khi ra đó, mình lên bản ăn ở cùng người bản địa chứ không ở khách sạn.
Về công việc, do mình làm quản lý nông trại nên có thể sắp xếp công việc cho công nhân ở nhà làm. Mình sẽ tranh thủ ngày nghỉ hay lễ tết kết hợp xin nghỉ phép thêm vài ngày rồi đi.
- Một thân con gái đi chinh phục những đỉnh núi cao, gia đình bạn có lo lắng, khuyên ngăn không? Bạn nói gì để mọi người vững lòng và ủng hộ mình đi như vậy?
Thật ra trong các chuyến đi mình không bao giờ thông báo với gia đình. Tính mẹ hay lo nên nếu nói ra thì có lẽ mẹ sẽ không thể yên lòng trong cả chuyến đi của mình. Sau khi đi về rồi mình mới kể.
Gia đình mình cũng không hề ngăn cấm, lúc đầu còn hay dặn dò cẩn thận, lâu dần họ quen với cái chân đi của mình nên cũng kệ luôn. Kiểu như “mày muốn đi đâu thì đi con ạ” (cười lớn).
- Thời gian lâu nhất bạn chinh phục đỉnh núi là bao nhiêu? Cung đường nào khiến bạn nhớ nhất?
Nói thời gian lâu nhất để chinh phục đỉnh núi thì không đúng cho lắm. Vì có những cung đi cùng nhóm bạn theo lịch trình 3 ngày 2 đêm hay 2 ngày 1 đêm thì thường ngày thứ nhất chỉ lên tới lán nghỉ, qua ngày thứ 2 mới chinh phục đỉnh.
Nếu tính riêng các cung mình tự đi và leo trong ngày thì có lẽ cung dài nhất, đi lâu nhất là cung Nam Cang Ho Tao, mất 11,5 tiếng cả đi lẫn về. Đây là cung núi đứng top 12 về độ cao, nhưng thuộc top 1 về độ khó tại Việt Nam.
- Có bao giờ bạn phải đối mặt với hiểm nguy khi leo núi chưa? Lúc đó bạn đã giải quyết thế nào?
Thật ra hiểm nguy thì mỗi đỉnh núi đều có gặp, nhưng bản thân mình chưa thấy đến mức quá khó khăn. Như khi leo Ngũ Chỉ Sơn gặp mưa tầm tả, khi leo lên các cây cầu gỗ dốc đứng gần như 90 độ, lúc đó chỉ cần sẩy chân trượt là té "banh xác". Hay như khi leo Pờ Ma Lung, đang đi thì mình gặp một con rắn rớt ngay trước mặt, nghe các bạn porter bảo loại rắn ấy cực độc, cắn một phát có thể "đi" ngay và luôn. Rồi như lần đi Pansipan, lúc xuống núi tới độ cao 2800m, chân mình bị thương rất nặng, phải lết mãi tận hơn 9 giờ tối mới xuống tới chân núi, trong khi dự kiến ban đầu là tầm 5 - 6h.
Nhớ có lần sau khi xuống núi xong, mình chạy xe máy từ trên Y Tý về SaPa, lúc đó trời đã tối, xe gặp tai nạn ngay giữa đèo, người thì không sao nhưng xe bị hỏng nặng. Lúc đó trời mưa tầm tã, sương mù dày đặc, ngoài trời rét 4 - 5 độ C, thế là đẩy "sấp mặt", đi bộ khoảng hơn 5km thì gặp được tiệm sửa xe còn mở cửa, lúc đó mừng hơn cả bắt được vàng (cười).
Những lần đó để lại ấn tượng và kỷ niệm khó quên trong mình, và nó càng làm tăng độ hấp dẫn, làm mình muốn đi và khám phá các đỉnh tiếp theo chứ hoàn toàn chưa bao giờ có ý định bỏ cuộc.
- Thông thường, người ta leo núi cao với thời gian khoảng 3 ngày 2 đêm, bằng cách nào bạn có thể đi về trong ngày? Ngọn núi nào bạn đánh giá là đẹp nhất trong hành trình đã qua?
Có nhiều đỉnh mình vẫn đi theo lộ trình bình thường với mọi người, nhỡn nhơ đuổi hoa bắt bướm, chụp choẹt hình ảnh đủ kiểu. Nhưng có những đỉnh mình rút lại đi trong một ngày và đi liên tiếp các đỉnh vì muốn thử sức chịu đựng của bản thân, muốn làm được điều mà trước đây mình nghĩ mình không bao giờ làm được.
Khi leo núi, mình vẫn chụp ảnh rất nhiều, chỉ là thời gian xuất phát sớm hơn, đi nhanh hơn, thời gian nghỉ ít và mang theo một ít đồ nhẹ nhàng…nên mình có thể chinh phục được trong ngày.
Có lần, mình chinh phục liên tiếp 5 đỉnh núi trong cùng một chuyến đi, đó là Ngũ Chỉ Sơn, rồi qua Lảo Thẩn, Nhìu Cồ San, rồi đến Pờ Ma Lung và Chung Nhía Vũ.
Với mình, mỗi ngọn núi, mỗi khu rừng đều mang vẻ đẹp riêng bất chấp các mùa. Mình không có sự ưu ái riêng với ngọn núi nào cả, tất cả chúng đều đẹp và chứa đựng những điều thú vị riêng.
- Những ngọn núi non trùng điệp trong mắt một cô kỹ sư nông nghiệp có gì khác biệt so với người thường?
Mình nghĩ, cảm nhận về từng ngọn núi của mỗi người là khác nhau. Tùy theo sở thích, người thích cảnh mây, người thích đỗ quyên, hay cảnh rêu phong đầy ma mị của những khu rừng già, cảnh rừng trúc...
Ngoài ra, những yếu tố chủ quan như tâm trạng (đi vì vui, vì thích khám phá, đi vì yêu thích một ai đó trong hành trình, hay đi để trút bớt muộn phiền lo toan trong cuộc sống thường ngày…), sức khỏe (lúc khỏe đi tới đâu cũng đầy hưng phấn và nhiệt huyết, còn một khi đã mệt thì chỉ muốn ngồi hay nằm một chỗ, ai bê đi đâu thì bê), hoàn cảnh (mưa, nắng, gió...) cũng tác động nhiều đến cảm nhận về nơi đó của người đi.
- Những chuyến đi giúp ích gì cho công việc và cuộc sống thường ngày của bạn?
Thực ra mỗi chuyến đi bổ trợ cho mình trong cuộc sống thường ngày nhiều hơn là trong công việc. Sau khi đi về, mình cảm thấy vui, hạnh phúc, đầu óc thư thái thì sẽ nghĩ được nhiều cái hay ho để làm.
Thêm nữa, khi ra ngoài Bắc, đi qua các bản làng, mình hay ghé xin các hạt giống bản địa rồi mang về gieo, đó cũng là một niềm vui nho nhỏ của mình.
- Trong tương lai, bạn có dự định gì cho những chuyến đi?
Mình dự định khám phá cung Everest Base Camp (EBC) ở Nepal từ tháng 4/2020, nhưng vì dịch Covid nên mọi thứ đã bị hoãn lại cho đến tận bây giờ. Thời gian tới, khả năng chắc cũng chưa đi được nên mình sẽ tiếp tục khám phá những ngọn núi mới ở Việt Nam, và có thể sẽ leo lại top 15 cùng với những người bạn.
Trekking là gì
Trekking là một hoạt động du lịch dã ngoại mà những người đi trekking (hay được gọi là trekker) có những chuyến đi bộ đường dài/đi bộ leo núi nhiều ngày, băng qua những cung đường với đủ loại địa hình để đến với những khu vực xa xôi, phần lớn là những vùng đồi núi, nơi tương tác nhiều với thế giới tự nhiên.
Khác với những loại hình du lịch thông thường, trekking chỉ có một phương tiện di chuyển duy nhất là đôi chân bạn, cùng với việc đi đến những nơi núi rừng xa xôi hiểm trở và chịu ảnh hưởng nhiều bởi điều kiện tự nhiên như địa hình, thời tiết, do vậy mà đây là loại hình du lịch tương đối mạo hiểm và không phải dành cho tất cả mọi người.
Bài liên quan 'Quỷ Cốc Tử' Ngô Trần Hải An và hành trình 20 năm chinh phục hơn 40 quốc gia Hà Trúc: 'Mọi người thấy mình trên mạng xã hội thế nào thì ngoài đời mình giống 99% như vậy'