Các bước skincare cho ngày và đêm từ A – Z theo khoa học

Skincare là gì? Chắc hẳn khi được đặt câu hỏi này, mọi người sẽ trả lời ngay rằng đó là chăm sóc da. Tuy nhiên, ít ai hiểu rằng ẩn sâu bên trong đó là một quy trình với các bước phức tạp, đòi hỏi người thực hiện phải thấu hiểu làn da của mình. Trong bài viết này, cùng Shopee Blog tìm hiểu tất tần tật về các bước skincare từ A – Z nhé!

Skincare là gì? Tại sao cần skincare?

Skincare là một thuật ngữ tiếng Anh, nó có nghĩa là “chăm sóc da” bằng mỹ phẩm, thường chủ yếu là da mặt. Các bước skincare thường được tiến hành theo quy trình cụ thể và sẽ giúp bạn phòng tránh hoặc cải thiện các vấn đề như mụn, tàn nhang, lão hoá, lỗ chân lông to,…

Skincare là gì? (Nguồn: anon tae)

Tùy theo làn da của mỗi người mà chu trình skincare sẽ khác nhau. Hãy dựa trên tình trạng da của bản thân để chọn cho mình cách thức cũng như các sản phẩm chăm sóc da phù hợp.

Các bước skincare cơ bản tại nhà chi tiết

Tẩy trang

Tẩy trang là quá trình giúp loại bỏ các bụi bẩn, dầu thừa và lớp trang điểm trên da mặt. Khi da sạch sẽ, các bước dưỡng sau mới phát huy tác dụng được. Nếu da bẩn sẽ dễ dẫn đến tình trạng bí tắc lỗ chân lông, sinh ra mụn. Trên thị trường có 4 loại tẩy trang phổ biến là dầu, nước, sáp và gel với nhiều mức giá khác nhau, từ bình dân đến cao cấp.

Tẩy trang là quá trình giúp loại bỏ các bụi bẩn, dầu thừa và lớp trang điểm trên da mặt (Nguồn: RyanKing999)

Sữa rửa mặt

Nhiều sản phẩm tẩy trang chưa loại bỏ hoàn toàn bụi bẩn, hoặc nhũ hóa chưa hoàn toàn vẫn còn nhờn rít. Do đó bạn cần dùng thêm sữa rửa mặt để đảm bảo da sạch hoàn toàn. Khi chọn sữa rửa mặt bạn cần ưu tiên các sản phẩm có độ pH 5.5 – 6.5 để da không bị khô. Ngoài ra, bạn cũng nên lựa chọn sữa rửa mặt phù hợp với loại da của bản thân:

  • Da nhạy cảm: Tránh các loại sữa rửa mặt có chứa các thành phần dễ gây kích ứng hoặc khô da như Sodium lauryl sulfate, hương liệu, dầu khoáng, Parabens, Alcohol. Thay vào đó, ưu tiên các thành phần dịu nhẹ như chiết xuất đậu nành, hoa cúc, lô hội,…
  • Da mụn: Ưu tiên các sản phẩm có chứa các thành phần kháng viêm như Salicylic acid (BHA), Glycolic acid, benzoyl peroxide, tinh dầu tràm trà, chiết xuất rau má,…
  • Da dầu và hỗn hợp thiên dầu: Những sản phẩm sữa rửa mặt đất sét hoặc cấp nước nhẹ bằng HA sẽ phù hợp với da dầu và hỗn hợp thiên dầu.
  • Da khô hoặc hỗn hợp thiên khô: Nên có các thành phần như ceramides, niacinamide, HA, lô hội,…
Sau bước tẩy trang, bạn cần dùng thêm sữa rửa mặt để đảm bảo da sạch hoàn toàn (Nguồn: RyanKing999)

Tẩy tế bào chết

Làn da của con người luôn có cơ chế tự phục hồi và thay thế nên tế bào da chết sẽ xuất hiện định kỳ. Tẩy tế bào chết giúp loại bỏ chúng để lộ ra làn da sáng mịn, khỏe mạnh và “mở đường” cho dưỡng chất từ các sản phẩm dưỡng da thấm sâu hơn. Ngoài ra tẩy tế bào chết còn giúp giảm thiểu tình trạng mụn do bít tắc lỗ chân lông.

Có hai loại tẩy tế bào chết chính:

  • Tẩy tế bào chết hoá học: Sử dụng các hoạt chất như AHA, BHA, PHA, LHA.
  • Tẩy tế bào chết vật lý: Các sản phẩm chứa hạt scrub, tẩy tế bào chết dạng gel kỳ,…
Tẩy tế bào chết hóa học (bên trái) và tẩy tế bào chết vật lý (bên phải) (Nguồn: Iurii Maksymiv & Marili Forastieri)

Toner

Toner thường bị hiểu lầm rằng có thể đem đến những tác dụng “thần thánh” như làm se khít lỗ chân lông, cân bằng độ pH,… Trên thực tế, toner có tác dụng chính là cung cấp độ ẩm nhẹ nhàng sau khi rửa mặt vì quá trình làm sạch thường khiến da bị mất nước. Ngoài ra, một số loại toner có chứa acid BHA, AHA,… có khả năng làm sạch dịu nhẹ cho da nhưng thường nồng độ khá thấp nên hiệu quả sẽ không cao.

Toner có tác dụng chính là cung cấp độ ẩm nhẹ nhàng sau khi rửa mặt (Nguồn: Syda Productions)

> Xem thêm: Toner là gì? Cách chọn toner chuẩn khoa học theo từng loại da

Serum dưỡng da

Serum là một dạng tinh chất dạng lỏng hoặc gel và tồn tại dưới hai dạng phổ biến: gốc nước và gốc dầu. Serum chứa các vi dưỡng chất và khoáng chất có kích thước siêu nhỏ để có thể len lỏi vào tận bên trong lớp trung bì, hạ bì nhằm nuôi dưỡng và cải thiện chuyên sâu các vấn đề của da.

Thông thường serum được chia theo các nhóm công dụng chính như sau:

  • Serum dưỡng ẩm: Thường chứa các hoạt chất có khả năng cung cấp độ ẩm và nước như HA, Ceramide, Vitamin C, chiết xuất cam thảo, bơ hạt mỡ,…
  • Serum chống lão hoá: Thường chứa hoạt chất chống oxi hóa tốt như retinol hoặc tế bào gốc trái cây, hoa anh thảo, chiết xuất hạt nho, vitamin C, peptide,…
  • Serum trị mụn: Có thể chứa một số thành phần như tinh dầu tràm trà, benzoyl peroxide, chiết xuất rau má, Cica,… với khả năng kháng viêm, làm khô cồi mụn,…
  • Serum trị thâm nám: Các chất thường gặp trong serum trị thâm nám là Azelaic acid, Hydroquinone, Kojic Acid, Retinoids, Glycolic acid, Mequinol, Arbutin,…
  • Serum dưỡng trắng: Thường chứa các hoạt chất làm sáng da như Arbutin, Kojic acid, Glutathione, Vitamin C, chiết xuất cam thảo,…
  • Serum phục hồi da: Thường có những thành phần như Vitamin B, Niacinamide, Ceramide, Peptide củng cố hàng rào bảo vệ da hoặc HA giúp làm dịu da kích ứng,…
Serum chứa các vi dưỡng chất và khoáng chất có kích thước siêu nhỏ để len lỏi vào sâu trong da (Nguồn: Pro-stock Studio)

Kem dưỡng

Kem dưỡng ẩm là sản phẩm chăm sóc da có tác dụng chủ yếu là cung cấp và phục hồi độ ẩm cho da. Ngoài ra, một số loại kem dưỡng da còn tích hợp thêm công dụng dưỡng trắng da, chống lão hóa, làm dịu,… Làm thế nào để chọn được kem dưỡng phù hợp? Hãy tham khảo hai tiêu chí sau đây:

  • Dựa trên vấn đề da: Bạn hãy tham khảo các hoạt chất được gợi ý ở phần serum để chọn kem dưỡng phù hợp với vấn đề của da nhé.
  • Dựa trên loại da của bạn: Nếu bạn da dầu hoặc hỗn hợp thiên dầu, hãy ưu tiên sản phẩm dưỡng dạng gel lỏng thấm nhanh. Nếu bạn da khô hoặc hỗn hợp thiên khô, hãy chọn kem dưỡng kết cấu dày, đặc nhé.
Kem dưỡng da có tác dụng chủ yếu là cung cấp và phục hồi độ ẩm cho da (Nguồn: dep365.com)

Kem mắt

Vùng da quanh mắt mỏng, nhạy cảm hơn những vùng khác và cho thấy dấu hiệu của sự lão hóa cơ thể sớm nhất. Một loại kem dưỡng mắt tốt có thể giúp giảm thiểu sự hình thành của các nếp nhăn và quầng thâm mắt. Hãy tham khảo các sản phẩm kem mắt có chứa Retinol, Vitamin C, Caffeine, Ceramide,…

Kem dưỡng mắt giúp vùng da quanh mắt ẩm mượt và giảm thiểu sự lão hóa (Nguồn: RyanKing999)

Bảo vệ da với kem chống nắng

Ánh nắng chính là “hung thần” của làn da, nó sẽ tàn phá các tế bào da khiến da bị đen sạm, nhăn nheo và dễ dàng bị các bệnh lý về da, trong đó có ung thư da. Vì vậy chống nắng là một bước vô cùng quan trọng trong các bước skincare ban ngày.

Bạn nên chọn kem chống nắng có chỉ số chống nắng SPF từ 30 đến 50, PA+++ hoặc PA++++. Không nên sử dụng những sản phẩm có SPF cao hơn để dùng hàng ngày vì sẽ dễ gây kích ứng hoặc bít tắc lỗ chân lông. Kem chống nắng có SPF cao chỉ phù hợp cho ngày đi biển hoặc đi leo núi.

Kem chống nắng giúp bảo vệ da khỏi tia UV (Nguồn: mysolakosiukin)

Cách skincare cho từng loại da

Skincare cho da khô và hỗn hợp thiên khô

Làn da này thường gặp tình trạng khô ráp, sần sùi hoặc bong tróc vảy da chết. Vì vậy nên chú trọng dưỡng ẩm bằng các sản phẩm skincare có chứa HA, Ceramide, Vitamin C, chiết xuất cam thảo, bơ hạt mỡ,… Bạn có thể tham khảo các bước skincare cơ bản cho da khô hoặc hỗn hợp thiên khô mà Shopee Blog gợi ý sau đây nhé.

Các bước chăm sóc da ban ngày:

  • Rửa mặt bằng sữa rửa mặt dịu nhẹ.
  • Toner.
  • Serum dưỡng ẩm.
  • Kem dưỡng.
  • Sản phẩm chống nắng dạng kem có khả năng tạo finish ẩm, căng bóng.
  • Có thể dùng thêm xịt khoáng nếu da khô bất chợt.

Các bước chăm sóc da mặt ban đêm:

  • Tẩy trang.
  • Rửa mặt bằng sữa rửa mặt dịu nhẹ.
  • Toner.
  • Mặt nạ dưỡng ẩm (nếu có).
  • Tẩy tế bào chết AHA để loại bỏ da chết trên bề mặt (2 – 3 lần/tuần).
  • Serum dưỡng ẩm.
  • Kem dưỡng để khoá ẩm.
  • Kem mắt.
Bạn có thể sử dụng thêm mặt nạ cấp ẩm cho da trong những ngày da thô ráp, bong tróc (Nguồn: pixelshot)

Các bước skincare cho da dầu và hỗn hợp thiên dầu

Da dầu và hỗn hợp thiên dầu thường mắc phải tình trạng bóng nhờn và hay có lỗ chân lông to, dễ bị xỉn màu khi tiếp xúc nhiều với ánh nắng. Nếu sở hữu làn da này, bạn nên chú trọng vào bước làm sạch và có thể các sản phẩm chứa đất sét giúp hút dầu thừa. Bên cạnh đó, nên ưu ái các hoạt chất như BHA, HA, Niacinamide, Retinol, L-carnitine, Resveratrol,…

Lưu ý là bạn nên sử dụng các sản phẩm có kết cấu mỏng nhẹ, thấm nhanh. Không nên rửa mặt quá 2 lần/ngày hoặc lạm dụng giấy thấm dầu vì sẽ làm da tệ hơn.

Các bước chăm sóc da ban ngày:

  • Rửa mặt bằng sữa rửa mặt chứa HA hoặc đất sét.
  • Toner cấp nước.
  • Serum có hoạt chất kiềm dầu.
  • Gel dưỡng.
  • Sản phẩm chống nắng dạng gel thấm nhanh, kiềm dầu tốt.

Các bước chăm sóc da mặt ban đêm:

  • Dầu tẩy trang hoặc nước tẩy trang có lớp dầu.
  • Rửa mặt bằng sữa rửa mặt chứa HA hoặc đất sét.
  • Toner cấp nước.
  • Tẩy tế bào chết BHA (2 – 3 lần/tuần).
  • Serum cấp nước hoặc serum điều trị vấn đề trên da.
  • Gel dưỡng.
  • Kem mắt.
Không nên lạm dụng giấy thấm dầu (Nguồn: seeaesthetics.com)

Skincare đúng cách cho da dầu mụn

Nếu da bạn tiết nhiều dầu khiến lỗ chân lông bít tắc và gây mụn thì hành trình skincare sẽ trở nên gian nan hơn rất nhiều. Để chăm sóc làn da khó chiều này, bạn hãy sử dụng các hoạt chất có khả năng kháng khuẩn và giảm bít tắc như BHA, tinh dầu tràm trà, benzoyl peroxide, chiết xuất rau má, Cica,… Hoặc các hoạt chất Niacinamide, Retinol, L-carnitine, Resveratrol,… cũng được đánh giá là kiềm dầu tốt.

Các bước skincare ban ngày:

  • Rửa mặt bằng sữa rửa mặt chứa tinh chất tràm trà, trà xanh, Cica,…
  • Toner làm dịu da sưng đỏ do mụn.
  • Serum kháng khuẩn, giảm mụn.
  • Gel chấm mụn.
  • Gel dưỡng.
  • Sản phẩm chống nắng dạng gel thấm nhanh, kiềm dầu tốt.

Các bước skincare ban đêm:

  • Rửa mặt bằng sữa rửa mặt chứa tinh chất tràm trà, trà xanh, Cica,…
  • Toner làm dịu da sưng đỏ do mụn.
  • Serum kháng khuẩn, giảm mụn.
  • Gel chấm mụn.
  • Gel dưỡng.
  • Kem mắt.
Da dầu mụn cần các sản phẩm serum kháng khuẩn, giảm mụn hoặc gel chấm mụn để điều trị dứt điểm (Nguồn: pixelshot)

Các bước skincare sáng và tối cho da nhạy cảm

Da nhạy cảm dễ phải đối mặt với nguy cơ bị kích ứng, vì vậy cần phải thật kỹ lưỡng trong việc lựa chọn sản phẩm và đọc kỹ bảng thành phần. Bạn nên tránh sản phẩm có chứa các thành phần dễ gây kích ứng hoặc khô da như Sodium lauryl sulfate, hương liệu, dầu khoáng, Parabens, Alcohol. Thay vào đó, ưu tiên các thành phần dịu nhẹ như chiết xuất đậu nành, hoa cúc, lô hội,…

Các bước skincare ban ngày:

  • Rửa mặt bằng sữa rửa mặt dịu nhẹ có độ pH 5.5 – 6.5.
  • Toner làm dịu da.
  • Serum dưỡng ẩm, làm dịu da.
  • Kem dưỡng có thành phần hồi phục da và giảm mẩn đỏ, kích ứng.
  • Kem chống nắng.

Các bước skincare ban đêm:

  • Tẩy trang.
  • Rửa mặt bằng sữa rửa mặt dịu nhẹ có độ pH 5.5 – 6.5.
  • Toner làm dịu da.
  • Serum dưỡng ẩm, làm dịu da.
  • Kem dưỡng có thành phần hồi phục da và giảm mẩn đỏ, kích ứng.
  • Kem mắt.
Mọi sản phẩm skincare cho da nhạy cảm cần phải dịu nhẹ hết mức có thể (Nguồn: floral designer)

Cách skincare cho da tuổi dậy thì

Độ tuổi dậy thì ở nữ thường trong khoảng từ 10 – 16 tuổi, ở nam là 10 – 18 tuổi. Nếu da không gặp vấn đề gì, cách tốt nhất là sử dụng đơn giản các sản phẩm tẩy trang, sữa rửa mặt dịu nhẹ và thoa kem chống nắng. Còn nếu gặp hiện tượng nổi mụn dậy thì, hãy sử dụng các hoạt chất có khả năng kháng khuẩn và giảm bít tắc như tinh dầu tràm trà, benzoyl peroxide, chiết xuất rau má, Cica,… và tham khảo các bước skincare sau:

Quy trình skincare buổi sáng cho da tuổi dậy thì bị mụn:

  • Rửa mặt bằng sữa rửa mặt chứa tinh chất tràm trà, trà xanh, Cica,…
  • Toner làm dịu da sưng đỏ do mụn.
  • Serum kháng khuẩn, giảm mụn.
  • Gel chấm mụn.
  • Gel dưỡng.
  • Sản phẩm chống nắng dạng gel thấm nhanh.

Cách skincare cho da tuổi dậy thì bị mụn – Ban đêm:

  • Rửa mặt bằng sữa rửa mặt chứa tinh chất tràm trà, trà xanh, Cica,…
  • Toner làm dịu da sưng đỏ do mụn.
  • Serum kháng khuẩn, giảm mụn.
  • Gel chấm mụn.
  • Gel dưỡng.
Tẩy trang, sữa rửa mặt dịu nhẹ và kem chống nắng là bộ ba không thể thiếu cho các bước skincare đầy đủ độ tuổi dậy thì (Nguồn: thanhnien.vn)

Một số câu hỏi thường gặp về quy trình skincare

Có nhất thiết phải rửa mặt vào buổi sáng hay không?

Bạn nên rửa mặt bằng sữa rửa mặt buổi sáng bởi nhiều lý do. Cụ thể, vào buổi đêm, làn da vẫn duy trì hoạt động bài tiết ra mồ hôi, bã nhờn,… trong khi bạn đang ngủ. Đồng thời, việc bôi kem dưỡng buổi tối cũng là một yếu tố hấp thụ bụi bẩn từ chăn ga gối và môi trường. Vì thế, việc làm sạch da bằng sữa rửa mặt vào buổi sáng rất quan trọng.

Bạn nên rửa mặt bằng sữa rửa mặt vào buổi sáng (Nguồn: Chakrapong Worathat)

Có nhất thiết phải dùng toner không?

Toner không phải là bước cần thiết cho tất cả mọi người, đặc biệt có thể lược bỏ trong các bước skincare cho người mới bắt đầu. Đó là vì công dụng chính của toner là cấp ẩm dịu nhẹ và công dụng này có thể đạt được ở các sản phẩm khác như serum, kem dưỡng, xịt khoáng,… Nhưng một khi đã quyết định không dùng, bạn nên đầu tư vào serum và kem dưỡng thật tốt để không làm da trở nên quá khô sau bước làm sạch.

Có nhất thiết phải dùng toner không? (Nguồn: Prostock-studio)

Khi nào cần dùng các sản phẩm chống lão hóa?

Nên sử dụng các sản phẩm chống lão hóa ngay từ khi bước vào độ tuổi 25, vì đây chính là thời kỳ làn da của bạn bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu của sự lão hóa. Da bắt đầu mất nước, khô và giảm độ đàn hồi, đặc biệt sức đề kháng cũng bị mất dần nên rất cần chăm sóc kĩ.

Đâu là các bước skincare sau khi peel da giúp da phục hồi nhanh?

Các bước skincare sau khi peel da sẽ cần chú trọng hơn so với việc thực hiện chu trình skincare thông thường. Bởi sau khi peel tại các cơ sở da liễu, làn da cần chăm sóc để hồi phục. Lý do lúc này chức năng hàng rào bảo vệ của da suy giảm đáng kể và các yếu tố gây kích ứng tăng lên.

  • Bước 1: Sử dụng nước muối sinh lý làm sạch da trong những ngày đầu sau peel.
  • Bước 2: Cấp ẩm làm dịu da bằng kem dưỡng chứa thành phần dầu tương tự dầu tự nhiên mà cơ thể sản xuất như dầu hoa hướng dương, dầu hoa Echium, Macadamia,…
  • Bước 3: Tránh nắng trong vòng 7 ngày sau peel và sử dụng kem chống nắng phổ rộng có SPF từ 35 trở lên.
  • Bước 4: Chăm sóc da sau peel bằng các sản phẩm phục hồi chứa Vitamin B5, Niacinamide, Ceramide,…
Kem chống nắng là sản phẩm không thể thiếu cho da sau peel (Nguồn: instyle.com)

Các bước skincare cho nam có khác thứ tự skincare cho nữ không?

Chăm sóc da cho nam thật ra không có sự khác biệt với các bước chăm sóc da của nữ giới. Trên thực tế đa số các sản phẩm dưỡng da hiện nay trên thị trường không phân chia rạch ròi về giới tính. Vì vậy nam giới vẫn có thể áp dụng các bước skincare và các sản phẩm dưỡng da giống như nữ giới mà vẫn đạt hiệu quả cao.

Bạn có thể tham khảo các bước skincare cho nam giới cơ bản như sau:

  • Bước 1: Tẩy trang (buổi tối để loại bỏ cặn kem chống nắng)
  • Bước 2: Rửa mặt bằng sữa rửa mặt
  • Bước 3: Tẩy tế bào chết.
  • Bước 4: Toner
  • Bước 5: Dùng sản phẩm đặc trị (serum,…)
  • Bước 6: Dưỡng ẩm
  • Bước 7: Kem chống nắng (buổi sáng)
Các bước skincare cho nam có khác thứ tự skincare cho nữ không? (Nguồn: RyanKing999)

Vậy là Shopee Blog đã giúp bạn tìm hiểu các bước skincare theo khoa học và tìm hiểu thứ tự apply sản phẩm cho từng loại da. Tiếp tục theo dõi Shopee Blog để cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích về làm đẹp nhé!


Đánh giá bài viết