Yếu tố nào khiến giá BĐS tăng thời gian tới?
Ngân hàng siết tín dụng vay mua nhà trên 3 tỷ đồng
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố lấy ý kiến dự thảo mới, một trong những nội dung sửa đổi so với Thông tư 36 trước là thay đổi hệ số rủi ro với các khoản vay BĐS. Theo đó, NHNN quy định các khoản cho vay của ngân hàng thương mại đối với vay mua nhà, đất có số tiền trên 3 tỷ đồng theo hệ số rủi ro lên đến 150%. Bên cạnh đó, NHNN cũng hạn chế nguồn vốn huy động ngắn hạn của các ngân hàng thương mại đem cho vay vào lĩnh vực BĐS trong trung và dài hạn.
Động thái của NHNN được cho là sẽ khiến các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn về vốn, đồng thời ảnh hưởng sự phát triển của toàn bộ thị trường BĐS nói chung, trong đó những lo ngại về tăng giá BĐS có thể xảy ra.
Theo nhiều phân tích, việc siết tín dụng BĐS đồng nghĩa với việc giảm dần phụ thuộc của khách hàng tới khoản vay ngân hàng; nhưng mặt khác các cá nhân mua BĐS sẽ khó khăn hơn khi huy động dòng tiền mua nhà ở. Phương án này có thể khiến thị trường mất cân đối cung - cầu trong thời gian tớ, gây khả năng sẽ tăng nóng, đẩy giá nhà lên mặt bằng cao hơn.
Điện, xăng tăng tác động chi phí đầu vào BĐS như vật liệu xây dựng, nhân công
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA), nhấn mạnh tại một diễn đàn BĐS mới đây: “Quý 1/2019 đã chứng kiến một loạt thay đổi về giá các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu và điện sẽ tác động đến giá đầu vào của BĐS, vật liệu xây dựng, nhân công lao động sẽ tăng theo. Điều này khiến giá BĐS khó giảm”.
Thực tế, ngay sau khi Bộ Công Thương công bố tăng giá điện 8,36%, nhiều doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng cũng công bố mức giá bán mới. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, sản lượng thép thô Việt Nam đã tăng mạnh trong 2 tháng đầu năm do nhu cầu xây dựng tăng, đạt 3,295 triệu tấn, tăng 75,9% so với cùng kỳ năm 2018. Giá gạch, cát xây dựng cũng tăng 5-7% so với cuối năm trước.
Các chi phí đầu vào như vật liệu xây dựng, giá nhân công tăng cũng khiến giá bán BĐS tăng.
Khan hiếm nguồn cung mới
Theo các phân tích thị trường mới đây, với các dự án đủ điều kiện bán hàng, nguồn cung phần lớn tập trung ở phân khúc trung cấp và bình dân. Mặt khác, nguồn cung phân khúc cao cấp và hạng sang sẽ khan hiếm bởi các dự án ở trung tâm bị rà soát, thu hồi. Do đó, mức giá căn hộ phân khúc này có thể tăng nhẹ.
Trước thông tin hạn chế dự án mới tại khu trung tâm TP.HCM giai đoạn 2016-2020, nhiều chuyên gia nhận định thị trường BĐS ở đây sẽ chịu áp lực tăng giá trong tương lai. Cụ thể, theo các doanh nghiệp, trong 6-12 tháng tới, thị trường sẽ hấp thụ mạnh số hàng hiện hữu tại trung tâm và nội thành. Và sau khi số hàng trên đã được tiêu thụ hết sẽ là thời điểm giá BĐS khu vực này bị đẩy lên cao, mặt bằng giá mới sẽ được thiết lập trong giai đoạn từ cuối năm 2019 đến năm 2020.
Ngoài ra, việc chậm phê duyệt các dự án, cũng như giảm tín dụng BĐS cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến giảm nguồn cung BĐS. Điều này tác động một phần đến giá BĐS ở các dự án mới ra thị trường trong giai đoạn này.
Tìm quỹ đất làm dự án khó khăn
Một số doanh nghiệp khác cũng thừa nhận, việc tìm kiếm quỹ đất trong bối cảnh đất tăng giá là bài toán khá đau đầu. Đặc biệt, trước tình thế giá đất ở những khu vực xa xôi của TP.HCM hiện cũng không còn rẻ, thì doanh nghiệp phải tính toán khá kỹ vấn đề giá bán sản phẩm ra thị trường. Theo đó, trong thời gian tới, thị trường căn hộ sẽ thiết lập mặt bằng giá mới trước bối cảnh chi phí đầu vào cao.
Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group, cho rằng khi đất đai tăng giá thì việc chuẩn bị quỹ đất của doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn bởi chi phí đầu vào tăng và cạnh tranh cũng gay gắt hơn. “Khi giá đất tăng thì giá bán sản phẩm BĐS chắc chắn bị ảnh hưởng. Theo đó, trong thời gian tới, giá bán các dự án sẽ điều chỉnh theo hướng tăng”, ông Phúc nhận định.
Ông Huỳnh Ngọc Châu, Phó Tổng Giám đốc L&L Group, cũng khẳng định giá bán BĐS trong tương lai gần sẽ tăng ở mức 10-15% so với mặt bằng chung hiện tại. Do chi phí quỹ đất tăng nên các dự án trung cấp và bình dân sẽ thiết lập mặt bằng giá mới, có thể tăng mạnh trong giai đoạn tới.
MuaBanNhaDat theo TBKD