Tính “mở” của mô hình Co-working trên thị trường văn phòng
Trong mô hình Co-working, khách thuê vẫn có thể có phòng riêng hoặc chọn chia sẻ toàn bộ các cơ sở vật chất như khu làm việc chung, pantry chung, Wi-Fi, khu vực in ấn… Đó được xem là tính “mở” của loại mô hình này, hấp lực thị trường.
Lợi ích của mô hình Co-working dễ nhận thấy và hiện đang trở thành xu hướng trên thị trường văn phòng cho thuê Việt Nam. Mọi người có thể thuê chỗ ngoài mục đích làm việc, trong khi tận dụng các lợi ích khác nhau sẵn có tại không gian làm việc, là dấu hiệu cho thấy bản chất của văn hóa làm việc tại Việt Nam đang thay đổi và phát triển. Sự phát triển này giúp mọi người có thể chủ động kiểm soát cuộc sống làm việc của họ nhiều hơn.
Theo ghi nhận, không chỉ các công ty mới khởi nghiệp hay những người làm việc tự do, các doanh nghiệp hay tập đoàn lớn đều được hưởng lợi từ mô hình Co-working. Tính tự do lựa chọn không gian làm việc theo nhu cầu đang được rất nhiều doanh nghiệp ưa chuộng. Nó không chỉ tăng tính kết nối, mà thực tế còn tạo ra hiệu quả công việc rất cao.
Ông Marc Townsend, Tổng Giám đốc CBRE cho biết trong năm 2016, châu Á theo sát làn sóng chung của thế giới trước sự thu hút của “Co-working Space”, đặc biệt như ở các nước Hồng Kông, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia. Việt Nam không nằm ngoài xu hướng này với sự phát triển đa chiều của các môi trường làm việc chia sẻ.
Tại Việt Nam, hiện mô hình Co-working Space còn là xu hướng khởi nghiệp mới. Bên cạnh những cái tên quen thuộc như Regus, Toong và Up… Năm 2018, thị trường này ghi nhận thêm nhiều tên tuổi khác như Dreamplex, CoGo, NakedHub, WeWork, Ucommune, JustCo, the Hive…và mới đây Shark Hưng, một doanh nhân trong lĩnh vực BĐS, cũng tuyên bố lấn sân làm Co-working Space.
Ông Lê Trọng Hiếu, Giám đốc, Bộ phận ho thuê văn phòng CBRE tại thị trường TP.HCM cho rằng, mô hình Co-working không những giúp các công ty nắm bắt kịp xu hướng phát triển chung của khu vực và toàn cầu, mà còn được chứng minh là giúp họ trong việc tuyển dụng và giữ chân nhân tài cho công ty.
Mô hình Co-working đem lại lợi ích gì cho doanh nghiệp?
Theo số liệu khảo sát, trong một vài năm, mô hình Co-working đã phát triển với tốc độ phi mã gấp nhiều lần và tiếp tục tăng theo cấp số nhân. Vì sao nhiều doanh nghiệp và tập đoàn lớn lại lựa chọn mô hình này ngày càng nhiều?
Linh hoạt trong làm việc: Môi trường linh hoạt và không có quy tắc nghiêm ngặt nào để tuân thủ là lý do được cá nhân, doanh nghiệp ưa chuộng. Một cá nhân có thể thuê vị trí làm việc theo ý muốn của mình mà không phải chịu trách nhiệm với bất kỳ ai. Đồng thời, có thể mở rộng không gian văn phòng khi nhóm phát triển mà không phải thay đổi địa điểm làm việc.
Kết nối tốt hơn: Mô hình này giúp việc gặp gỡ, giao tiếp với những người mới từ các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau tốt hơn. Khi mọi người chia sẻ về những mục tiêu đã đạt được, thì đó cũng là cơ hội tiếp cận với nhiều cái mới, nhiều ý tưởng mới và mở rộng cơ hội kinh doanh hơn và từ đó hỗ trợ, tăng năng suất làm việc tốt hơn.
Chi phí thấp: Mô hình Co-working tạo cơ hội cho người khởi nghiệp trẻ làm việc trong một văn phòng đầy đủ trang thiết bị mà không phải lo lắng nhiều về các chi phí, thời gian khi thành lập một văn phòng riêng. Một trong những lợi ích chính của Co-working là được làm việc trong một văn phòng tiêu chuẩn với mức đầu tư tối thiểu. Hạn chế các chi phí thiết lập văn phòng, văn phòng phẩm, chi phí vận hành hàng tháng...
MuaBanNhaDat theo TBKD