Báo cáo đoàn giám sát Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, UBND thành phố Hà Nội cho biết, đến hết năm 2017, thành phố đã ban hành 16 nghị quyết, 3 quyết định quy định chi tiết Luật Thủ đô. Trước khi luật này có hiệu lực thi hành, đến tháng 5/2013, Hà Nội có hơn 1,8 triệu hộ, tương đương 6,8 triệu nhân khẩu.
Qua kiểm tra hộ khẩu, tính đến tháng 11/2017, toàn thành phố đã có hơn 2 triệu hộ, tương đương 7,4 triệu nhân khẩu. Tốc độ tăng dân số trong những năm gần đây khoảng trên 200 nghìn người/năm, chủ yếu là tăng cơ học với khoảng 70%.
Hà Nội cho rằng, sau 5 năm thi hành Luật Thủ đô, việc quản lý dân cư trong khu vực nội đô được thực hiện theo quy định tại điều 19, Luật Thủ đô, đã bước đầu hạn chế tình trạng di dân tự phát vào nội thành. Tuy nhiên tình trạng dân số cơ học vào nội thành vẫn tiếp tục tăng, nên chưa giải quyết được hạ tầng giao thông, tạo áp lực lớn về hạ tầng xã hội đối với khu vực này.
Tình trạng này là do quy định tại khoản 4, điều 19 mới đặt ra điều kiện được đăng ký hộ khẩu của khu vực nội thành, còn việc đăng ký tạm trú vẫn được thực hiện theo quy định của Luật Cư trú mà không có bất cứ điều kiện ràng buộc nào.
Hà Nội đề nghị T.Ư tiếp tục rà soát, sửa đổi bổ sung các văn bản quy định chi tiết không còn phù hợp, sửa đổi một số nội dung của Luật Thủ đô cho phù hợp với tình hình mới. Đề nghị Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội sửa đổi bổ sung một số quy định của Luật Thủ đô; quy định nhằm đảm bảo mô hình tổ chức chính quyền đô thị phù hợp đặc điểm tình hình của Thủ đô Hà Nội.
Hà Nội cũng đề nghị cho phép thành phố thực hiện thu tiền tương đương giá trị quỹ đất 20% đối với các dự án nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị có quy mô sử dụng đất từ 10 ha trở lên để phát triển các khu nhà ở xã hội đối với các nhà đầu tư đã được lựa chọn lập quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/500 trên cơ sở thống nhất chủ trương bằng văn bản với Bộ Xây dựng. Tự quyết định đối với các trường hợp bố trí quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội không phù hợp với quy hoạch của địa phương hoặc có bố trí nhưng không đủ quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đề nghị tổ chức khảo sát, nghiên cứu để đề xuất bổ sung một số quy định của Luật Thủ đô nhằm nâng cao hơn nữa việc bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Đồng thời, Hà Nội cũng đề nghị Chính phủ sớm quy định về cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư trong vùng Thủ đô, nhằm hạn chế tình trạng di dân tự phát vào nội thành Hà Nội, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về dân cư.
MuaBanNhaDat theo Thời Báo Kinh Doanh