Gần 100 chủ đầu tư mang dự án thế chấp ngân hàng tại Hà Nội

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội vừa công bố danh sách các dự án thế chấp ngân hàng, trong đó có các dự án thế chấp bằng quyền sử dụng đất, thế chấp dự án và nhà ở hình thành trong tương lai.
Gần 100 chủ đầu tư mang dự án thế chấp ngân hàng tại Hà Nội
Gần 100 chủ đầu tư mang dự án thế chấp ngân hàng tại Hà Nội


Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội cho biết tính đến ngày 23/8 có 92 dự án do chủ đầu tư đang thế chấp bằng quyền sử dụng đất, thế chấp dự án và nhà ở hình thành trong tương lai thuộc các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn TP. Hà Nội.

Trong dánh sách này có nhiều chủ đầu tư lớn như Hải Phát, Geleximco, Gamuda Land Việt Nam, FLC, Nam Cường, MB Land, Văn Phú - Invest, Tân Hoàng Minh…

Một số nhà đầu tư có dự án thế chấp ngân hàng:

- Công ty cổ phần Hải Phát thế chấp quyền sử dụng đất dự án nhà ở thấp tầng (thửa BT+LK1+LK2+LK3) và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai (gồm 59 căn nhà ở thấp tầng) tại dự án đầu tư xây dựng khu Tổng hợp thương mại, dịch vụ và căn hộ cao cấp Hải Phát Plaza (phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm). Hải Phát cũng đang thế chấp tài sản tại một lô đất tại Phú Lãm (quận Hà Đông).

- Công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam đang thế chấp quyền sử dụng đất TT14 đến TT20, TT23, TT26, TT41, TT42, CC4, CC6 dự án khu đô thị mới tại phường Yên Sở và Trần Phú, quận Hoàng Mai.

- Tập đoàn Geleximco đang thế chấp quyền sử dụng đất Khu đô thị mới 2 bên đường Lê Trọng Tấn (thuộc địa bàn phường Dương Nội, quận Hà Đông và xã La Phù, huyện Hoài Đức). Doanh nghiệp này cũng thế chấp một phần tài sản gắn liền với đất tại xã An Khánh (huyện Hoài Đức). Ngoài ra còn thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở, nhà ở hình thành trong tương lai tại phường Yên Sở (quận Hoàng Mai). Tại dự án này, Geleximco thế chấp 464 căn hộ…


Một dự án đang thế chấp ngân hàng tại Hà Nội.

- Tập đoàn FLC đang thế chấp dự án công trình hỗn hợp 265 Cầu Giấy, Tập đoàn Nam Cường thế chấp quyền sử dụng đất một loạt thửa đất tại Khu đô thị mới Dương Nội...

- Công ty CP Địa ốc MB thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai tại dự án Golden Field thuộc Khu đô thị Mỹ Đình 1 (phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm).

- Công ty CP đầu tư Văn Phú - Invest thế chấp quyền sử dụng đất với khu đất có ký hiệu TTDV-01, khu đô thị mới An Hưng, phường La Khê, và phường Dương Nội, quận Hà Đông.

- Tân Hoàng Minh đang thế chấp dự án khu nhà ở phía đông hồ Nghĩa Đô, phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy, và 139 căn hộ tại dự án ở Hoàng Cầu.

- Công ty cổ phần đầu tư và dịch vụ khách sạn SOLEIL thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai một phần dự án tại số 2 Đặng Thai Mai, phường Quảng An, quận Tây Hồ.

- Công ty cổ phần Sông Đà 1.01 và Công ty cổ phần Ecoland còn thế chấp bằng tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai là Dự án Khu nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại Eco Lakeview (số 32 Đại Từ, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai).

- Công ty cổ phần và thương mại Thủ Đô thế chấp dự án xây dựng khu nhà ở CT1 Phúc Lợi (Ecohome Phúc Lợi), quận Long Biên. Tài sản thế chấp tại dự án này đến ngày 7/7 còn lại 87 trong số 680 căn hộ.

- Công ty TNHH liên doanh ôtô Hòa Bình cũng đang thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản tại dự án Pandora (số 53, phố Triều Khúc, phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân).

Theo Thông tư 26/2015/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chủ đầu tư được thế chấp dự án hoặc nhà ở hình thành trong tương lai xây dựng trong dự án tại tổ chức tín dụng để vay vốn phục vụ cho việc đầu tư dự án hoặc xây dựng nhà ở đó.

Tổ chức, cá nhân xây dựng nhà ở hình thành trong tương lai trên thửa đất ở hợp pháp của mình được thế chấp nhà ở này tại tổ chức tín dụng để vay vốn phục vụ cho xây dựng nhà ở đó. Ngoài ra, tổ chức, cá nhân mua nhà ở hình thành trong tương lai trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở của chủ đầu tư được thế chấp nhà ở này tại tổ chức tín dụng để mua chính nhà ở đó.

MuaBanNhaDat theo TBKD