Naomi Osaka trở thành tay vợt đầu tiên của xứ sở hoa anh đào nâng cao chiếc cúp US Open. Chiến thắng này không chỉ giúp cô trở thành tay vợt nữ hàng đầu mà còn hứa hẹn nguồn thu nhập quảng cáo khổng lồ trong tương lai.
Naomi Osaka trở thành tay vợt Nhật Bản đầu tiên giành ngôi vô địch giải US Open. Ảnh: Getty Images
Naomi Osaka đã đánh bại Serena Williams trong cả hai set đấu và giành chiến thắng chung cuộc tại giải US Open. 2018 trở thành một năm đáng nhớ trong sự nghiệp của Naomi, trong đó có giải Indian Wells, nhưng US Open mới chính là nơi sẽ đưa sự nghiệp quảng cáo của cô lên một tầm cao mới.
Hợp đồng của Naomi sẽ từ 6 lên 7 con số, thậm chí 8
Naomi đã giành được 3,8 triệu đô la tiền thưởng từ ngôi vô địch US Open nhưng đó chỉ là mới bắt đầu. Rất có thể thu nhập ngoài sân cỏ của cô sẽ tăng gấp mười lần trong vài năm tới, từ 1,5 triệu lên tới hơn 15 triệu đô la Mỹ và soán ngôi nữ vận động viên được trả lương cao nhất thế giới từ tay Serena Williams.
Serena Williams sẽ tròn 37 tuổi trong tháng này, trong khi Naomi chỉ vừa qua độ tuổi 20 và rất có khả năng sẽ trở thành gương mặt nổi bật nhất làng quần vợt trong thập kỉ tới. Dù có thể không đạt tới ngưỡng kì vọng nói trên, chiến thắng đầu tiên tại giải Grand Slam sẽ mang lại cho cô danh hiệu tay vợt nữ hàng đầu cùng thu nhập cao ngất ngưởng trong tương lai gần.
“Naomi Osaka có tiềm năng phát triển lâu dài, bởi cô ấy có tuổi trẻ, sức hút với khán giả đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau và tài năng trên sân đấu.”, David Schwab, chuyên gia marketing của Octagon nhận định. “Cô ấy có khiếu hài hước và hoàn toàn có khả năng xây dựng hình ảnh quảng cáo cho chính mình.”
Các hợp đồng quảng cáo hiện tại của Naomi Osaka bao gồm Adidas, Yonex, Nissin và Wowow. Cô đã ký hợp đồng kéo dài nhiều năm với thương hiệu đồng hồ Citizen trước giải US Open. Hợp đồng khiêm tốn vài trăm ngàn đô đã ký với hãng thể thao Adidas của Naomi vừa vặn sẽ hết hạn vào cuối năm 2018. Trước đây quán quân giải US Open năm 2017 Sloane Stephens đã ký hợp đồng trị giá hàng triệu đô với Nike ngay sau khi hợp đồng với hãng Under Armour hết hạn ngay sau giải US Open. Tương tự, ngôi vương giải US Open sẽ đẩy giá của Naomi lên ít nhất 5 triệu đô la Mỹ mỗi năm.
Mỏ vàng tennis đang chờ Naomi
Đến thời điểm hiện tại, tennis là môn thể thao mang lại nhiều thu nhập nhất cho các vận động viên nữ. Tám trong số 10 phụ nữ được trả lương cao nhất đều là vận động viên tennis (tay đua Danica Patrick và vận động viên cầu lông PV Sindhu là những trường hợp ngoại lệ). Serena Williams tiếp tục dẫn đầu danh sách năm thứ ba liên tiếp với thu nhập hàng năm 18,1 triệu đô la Mỹ. Tuy chỉ giành được 62.000 đô la Mỹ tiền thưởng sau khi nghỉ để sinh cô con gái Alexis, thu nhập từ quảng cáo của Serena vẫn đứng đầu giới vận động viên nữ. Trước đó, tay vợt nữ Maria Sharapova dẫn đầu danh sách nữ vận động viên có thu nhập cao nhất thế giới trong suốt 11 năm, đến 2016, danh hiệu này thuộc về Serena Williams.
Những câu chuyện về thành công của các tay vợt châu Á rất hiếm hoi, nhưng một vài ngoại lệ từng xảy ra cho thấy thị trường Trung Quốc và Nhật Bản cũng rất mặn mà trong việc dùng hình ảnh của tennis trong quảng cáo.
Li Na đã trở thành hiện tượng toàn cầu năm 2011 sau khi trở thành tay vợt Trung Quốc đầu tiên đăng quang Roland Garros. Sau chiến thắng, Li đã ký bảy hợp đồng trị giá hàng triệu đô la Mỹ. Thu nhập hàng năm ngoài sân cỏ của cô tăng vọt từ 2 triệu lên gần 20 triệu đô la Mỹ. Tài khoản ngân hàng của nữ vận động viên tiếp tục tăng thêm hơn 10 triệu đô la Mỹ mỗi năm sau khi gác vợt.
Một ví dụ khác là Kei Nishikori. Tuy chỉ hai lần vượt qua vòng tứ kết Grand Slam (giải US Open năm 2014 và 2018), danh hiệu tay vợt hàng đầu Nhật Bản đã mang lại cho anh một gia tài đồ sộ. Nishikori có hơn 12 hợp đồng, mang lại doanh thu 30 triệu đô la Mỹ mỗi năm, bao gồm cả tiền thưởng và thù lao cho mỗi lần xuất hiện. Thu nhập của anh chỉ đứng sau Roger Federer, vận động viên có thu nhập cao nhất hành tinh.
Thế vận hội mùa hè 2020 ở Tokyo sẽ tiếp tục giúp Nishikori thêm nổi tiếng và tăng thu nhập vì anh đã được các nhà tài trợ sự kiện chọn làm gương mặt đại diện tại Thế vận hội.
Naomi Osaka sinh ra tại Osaka (Nhật Bản). Mẹ cô là Nhật và cha là người Haiti. Cô di dân đến Mỹ lúc ba tuổi nhưng vẫn thi đấu dưới lá cờ Nhật Bản. Naomi có nhiều tiềm năng nối gót người đồng hương Nishikori trong kỳ Thế vận hội này. “Cô ấy là tay vợt nữ đầu tiên của xứ sở mặt trời mọc đủ khả năng giành cúp (Grand Slam). Naomi là người thay đổi cuộc chơi”, chuyên gia marketing Schwab nhận định.
Chiến thắng của Osaka đã mang lại không ít lợi nhuận cho các nhà tài trợ. Giá cổ phiếu của Yonex, hãng sản xuất cây vợt cô sử dụng, đã tăng hơn 10% trên sàn giao dịch chứng khoán Tokyo ngay khi Naomi chiến thắng vòng bán kết US Open.
Kurt Badenhausen