Khi ngành bán lẻ trực tuyến ngày càng lớn mạnh, người tiêu dùng và nhà bán lẻ càng không thể làm ngơ trước vấn đề rác thải từ bao bì và đóng gói trong thương mại điện tử. Riêng tại Mỹ, số lượng thùng carton được sử dụng mỗi năm đồng nghĩa với sự hy sinh của hơn 1 tỉ cây xanh.
Người Mỹ chuộng bán lẻ trực tuyến. Năm ngoái, lĩnh vực này tăng trưởng 16% tại Mỹ, trong khi toàn ngành bán lẻ chỉ tăng 3,8%. Tất cả chúng ta đều yêu thích sự nhanh chóng và tiện lợi. Chúng ta yêu cảm giác lâng lâng như được nhận quà khi nhìn thấy những chiếc hộp ngay trước cửa nhà. Một fan hâm mộ của Amazon năm 2014 từng bày tỏ: “Tôi chỉ trung thành với Amazonprime mà thôi.” Nhưng như người ta nói, tình yêu thường mù quáng. Người tiêu dùng đang nhắm mắt làm ngơ trước những ảnh hưởng môi trường tiêu cực mà bán lẻ trực tuyến, cụ thể là khâu đóng gói của ngành này gây ra.
Những chiếc hộp của Amazon Prime trong các thùng carton tái chế tại trung tâm tái chế rác thải của Recology ngày 04. 01. 2018 tại San Francisco, California. (Ảnh: Justin Sullivan/Getty Images)
Theo báo cáo của Fast Company, mỗi năm khoảng 165 tỉ gói hàng được vận chuyển tại Mỹ và số lượng thùng carton được sử dụng gần tương đương với hơn 1 tỉ cây xanh. Nếu xét cụ thể ngành kinh doanh box thực phẩm sơ chế, Blue Apron, công ty dẫn đầu phân khúc này, vận chuyển khoảng 8 triệu hộp đồ ăn mỗi tháng, mỗi hộp chứa hai túi đá lạnh có trọng lượng khoảng 2,7 kg. Rác từ túi đá lạnh có trọng lượng lên tới khoảng 192.000 tấn mỗi năm, hoặc theo như Mother Jones, chúng tương đương với trọng lượng của gần 100.000 xe ô tô hoặc 2 triệu người đàn ông trưởng thành.
Một chiếc hộp của Blue Apron nằm trên hiên nhà tại Boston, Massachusetts. (Ảnh: Scott Eisen/Getty Images)
Chúng ta đang ngập trong biển rác thải bao bì và rất nhiều trong số đó sẽ đi ra đại dương. Trong chiến dịch gần đây, quỹ Lonely Whale và Point Break tuyên bố vào năm 2025, cứ 3 tấn cá sẽ có 1 tấn nhựa trong đại dương. Dự đoán ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Liên Hợp Quốc cho rằng vào năm 2050, số rác thải nhựa sẽ nhiều hơn cá. Tất cả rác thải nói trên không phải đều đến từ ngành bán lẻ trực tuyến, nhưng ngành này cũng chẳng giúp giảm thiệt hại lên môi trường.
Bài báo của Pam Baker với tựa đề “Vấn đề rác thải bao bì từ thương mại điện tử ngày càng nghiêm trọng” đã trình bày rõ vấn nạn này. Trước khi Internet ra đời, logistics của ngành bán lẻ truyền thống đơn giản và tuyến tính, trong đó hàng hóa được vận chuyển với số lượng lớn đến nhà kho, sau đó đến cửa hàng. Hệ thống logistics của thương mại điện tử phức tạp hơn và các bao bì được vận chuyển qua tay nhiều người hơn. Bản cáo bạch năm 2017 mang tên “Tối ưu hóa bao bì trong thế giới thương mại điện tử” nhấn mạnh, thương mại điện tử có số điểm tiếp cận nhiều gấp bốn lần bán lẻ thông thường và các lô hàng được chia nhỏ thành các gói riêng lẻ để đem giao.
Ngoài ra, các nhà bán lẻ cũng muốn đảm bảo hàng hóa đến tay khách hàng trong điều kiện hoàn hảo, điều này có thể dẫn đến việc đóng gói quá kĩ càng. Một chiếc hộp trung bình được đặt xuống 17 lần trước khi đến tay khách hàng, theo Anton Cotaj, chủ sở hữu của ANAMA Package and Container Testing. Đó là lý do tại sao chúng ta lại nhận được một gói hàng bé nhỏ đựng trong một hộp lớn chứa đầy túi khí. Điều này đồng nghĩa với việc các nhà bán lẻ “vận chuyển không khí” theo đúng nghĩa đen, Hae Chang Gea, giám đốc khóa học đóng gói tại đại học Rutgers, nhận định. Cách thức đóng gói này hiệu quả, nhưng lãng phí.
Dường như cả khách hàng và nhà bán lẻ đã bắt đầu nhận thức được vấn đề đóng gói. Người tiêu dùng đang cảm thấy tội lỗi. Bài báo trên tờ New York Times năm 2016 ghi nhận "cảm giác tội lỗi và thất vọng" cùng sự hổ thẹn khi con người tái chế những chiếc hộp từng được dùng trong nền kinh tế. Amazon đã triển khai chương trình “Không bao bì gây thất vọng”, được thiết kế để “tạo ra ít rác thải hơn và chấm dứt việc gói hàng kĩ càng quá mức.” Các nhân viên dùng phong bì để thay thế hộp khi đóng gói các lô hàng nhỏ, và một số món đồ có thể được giao trong các hộp gói nguyên bản, thay vì gói ghém thêm một lớp nữa. Amazon cũng liên tục yêu cầu khách hàng phản hồi về việc đóng gói sau giao hàng. Nếu một bình luận chỉ ra được sai lầm một cách hợp lý, điều này sẽ kéo "Andon Cord", ngăn chặn cách thức đóng gói hiện tại, tránh khiến khách hàng khác thất vọng. Amazon tuyên bố đã cắt giảm gần 0,25 triệu tấn vật liệu đóng gói trong giai đoạn từ năm 2007 đến 2017, tránh sử dụng được 500 triệu thùng giấy khi giao hàng.
Các nhà bán lẻ lớn khác bắt đầu có động thái tương tự, một phần để tránh phản ứng dữ dội từ ngôn luận. Walmart có “Hướng dẫn đóng gói bền chắc”. Ở Trung Quốc, gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba và L’Oreal đang hợp tác với nhau để ứng dụng “bao bì xanh”. Các sáng kiến hợp tác trong bao bì đóng gói giữa các thương hiệu và nhà bán lẻ sẽ nhanh chóng xuất hiện dày đặc.
Các công ty khởi nghiệp cũng góp mặt vào lĩnh vực đóng gói vì môi trường. Limeloop đang đi tiên phong trong sử dụng các túi gói hàng được tái chế từ lớp phủ biển quảng cáo và có thể được tái sử dụng đến 2.000 lần. Ashley Etling, người đồng sáng lập của Limeloop, cho rằng "việc thay đổi suy nghĩ trong đóng gói bao bì là một điều thiết yếu" cho nền kinh tế thương mại điện tử. Một công ty châu Âu mang tên Repack không chỉ công khai ủng hộ tái sử dụng mà còn có cả mô hình khen thưởng, khuyến khích khách hàng trả lại bao bì thay vì vứt chúng vào thùng rác.
Các doanh nghiệp khác đang khai trương các cửa hàng outlet “nói không” với rác thải bao bì. Lauren Singer, tác giả của blog “Trash is for tossers” đã mở Package Free Shop (cửa hàng không dùng bao bì nhựa), hoàn toàn không sử dụng bao bì đóng đói nhựa khi giao hàng, tái sử dụng các hộp họ có trong kho. Tamara Lim, cựu nhân viên của Amazon, kinh doanh Wally Shop. Tại đây các mặt hàng thực phẩm tươi sống được giao tới tay khách hàng trong các thùng tái sử dụng.
Package Free Shop tại Brooklyn, New York.
Ngành bán lẻ trực tuyến sẽ ngày một lớn mạnh. Chỉ riêng Amazon đã bán được 100 triệu sản phẩm vào Prime Day, ngày các thành viên có tài khoản Amazon Prime được cung cấp các khuyến mãi đặc biệt để kích cầu. Amazon cũng đã vận chuyển hơn 5 tỉ mặt hàng thông qua Prime vào năm ngoái. Chủ sở hữu thương hiệu, nhà bán lẻ và người tiêu dùng đều cần phải chịu trách nhiệm trong việc giảm tác động của bao bì đóng gói với môi trường. Nếu không, cũng giống như trong Wall-E trong bộ phim hoạt hình cùng tên của Pixar, chúng ta sẽ phải sống trong một thế giới ngập tràn rác thải vào một ngày không xa.
Tác giả Jon Bird là giám đốc điều hành marketing tiêu dùng và bán lẻ toàn cầu của công ty truyền thông và marketing VML.