Kết quả bầu cử Malaysia một lần nữa cảnh tỉnh cho lãnh đạo toàn cầu

Sau cuộc bầu cử đưa ông Trump thành tổng thống Mỹ, chiến thắng của ông lão 92 tuổi Mohamed Mahathir trong cuộc bầu cử của Malaysia một lần nữa cho thấy hai sức mạnh đang chi phối trật tự thế giới là công nghệ số và xu hướng chán ghét giới tinh hoa.

Kết quả bầu cử Malaysia một lần nữa cảnh tỉnh cho lãnh đạo toàn cầu

Cựu thủ tướng 92 tuổi Mahathir Mohamad (đứng giữa) ăn mừng chiến thắng cùng các nhà lãnh đạo trong liên minh - Ảnh: MANAN VATSYAYANA/AFP/Getty Images

Chiến thắng kinh ngạc của cựu thủ tướng 92 tuổi Mahathir Mohamad trước thủ tướng Najib Razak - chấm dứt 60 năm cai trị của liên minh Mặt trận Quốc gia - gây bất ngờ cho nhiều nhà quan sát chính trị châu Á.

Nhưng kết quả cuộc tổng tuyển cử lần thứ 14 của Malaysia thực ra không có gì ngạc nhiên. Sự kiện mới nhất này là sự khẳng định một lần nữa sự hội tụ của các thế lực hùng mạnh đang càn quét khắp thế giới: đột phá trong công nghệ số và những hệ quả kinh tế và xã hội theo sau; phản ứng dữ dội từ tầng lớp trung lưu chống lại tầng lớp thượng lưu thủ cựu và suy đồi; và dù muốn hay không, ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.

Tình trạng này đang diễn ra như thế nào ở Malaysia và các nước khác?

Bên cạnh những tuyên bố khác, Mahathir nói ông sẽ bãi bỏ 6% thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) bị phản đối kịch liệt ở Malaysia và kiểm tra lại các dự án cơ sở hạ tầng lớn - bao gồm cả tuyến đường sắt cao tốc nối Kuala Lumpur và Singapore đã được đệ trình. Ông nói rằng sẽ không tìm cách “trả thù” Najib, mà sẽ “khôi phục lại thể chế pháp luật cho Malaysia.” Đối với nhiều người, điều này có thể được hiểu là quay về phương pháp cai trị độc tài, nặng tay.

Phản ứng ban đầu trên thị trường là tiêu cực, với giá trị đồng ringgit của Malaysia giảm 2,4% so với đô la Mỹ, một ngày sau cuộc bầu cử.

Cũng giống như kết quả bầu cử Brexit và Trump, các phân tích dữ liệu, mạng xã hội và nền tảng kỹ thuật số đóng vai trò quan trọng trong việc xác định người chiến thắng trong cuộc bầu cử lịch sử này. Malaysia có tỉ lệ thâm nhập thị trường của điện thoại thông minh là trên 75%, với hơn 40% trong số 15 triệu cử tri của đất nước dưới bốn mươi tuổi - có nghĩa là với tư cách là những người sành công nghệ, họ nhận tin tức gần như chỉ qua mạng xã hội.

Facebook, Twitter và YouTube là những nền tảng chiếm ưu thế, với 97% người dùng mạng xã hội hoạt động tích cực trên Facebook, khiến Malaysia trở thành một trong những quốc gia kết nối kỹ thuật số mạnh nhất và sành Internet nhất trên thế giới.

Cuộc bầu cử của Malaysia cũng cho thấy những mối đe dọa quen thuộc của các chiến dịch bầu cử trên mạng ngày nay: tin giả. Nhưng xét trên mọi phương diện, tác động bao quát của trí tuệ nhân tạo và phân tích dữ liệu cho phép liên minh của Mahathir - Pakatan Harapan - nhắm vào các cử tri cụ thể với độ chính xác như laser thông qua mạng xã hội.

Phản ứng dữ dội chống lại giới quan chức suy đồi

Công nghệ kỹ thuật số cũng là con số nhân mạnh mẽ cho một số ít những người giàu nhất thế giới, dẫn đến bất bình đẳng giàu nghèo lớn trong dân số nói chung. Mức chênh lệch giàu nghèo này thậm chí còn rõ rệt hơn ở các thị trường mới nổi như Malaysia, lan sang phạm vi chính trị, nơi các thể chế ngày càng suy đồi và hoạt động sa sút bị kiểm soát bởi chính tầng lớp thượng lưu này.

Vụ bê bối tham nhũng tại quỹ đầu tư nhà nước Development Berhad (1MDB) khét tiếng của thủ tướng Najib vượt quá sự chấp nhận của cử tri. Điều này đáng chú ý do liên minh Mặt trận Quốc gia cầm quyền vốn bất khả xâm phạm trong nhiều thập niên nhờ lợi dụng thành công vấn đề phân biệt chủng tộc gây chia rẽ.

Trụ sở quỹ đầu tư Nhà nước 1MDB (1Malaysia Development Berhad), Kuala Lumpur , Malaysia. (Ảnh: Chris Jung/NurPhoto via Getty Images)

Những người Hồi giáo Malay - chiếm đa số dân số - được coi là lá phiếu chắc chắn cho liên minh Mặt trận Quốc gia, vì đảng này đã đẩy mạnh một cách hiệu quả các chính sách hành động cương quyết giúp người Mã Lai có nhà ở giá rẻ, đi học đại học, hợp đồng nhà nước và các quyền lợi tương tự.

Nhưng một số lượng đáng kể chính những người Mã Lai này - hay còn gọi là “Bumiputras” trong tiếng Malay - đã quyết định bỏ phiếu cho phe đối lập, bao gồm các nhóm thiểu số người Hoa và Ấn Độ.

Phản ứng dữ dội chống lại giới thượng lưu thủ cựu không chỉ giới hạn ở Malaysia. Đó là một thế lực tự nhiên sẽ tiếp tục định hình chính sách đối ngoai của doanh nghiệp, việc thực hiện kinh doanh và chính sách công trên khắp châu Á và xa hơn nữa.

Sức ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc ở Malaysia

Malaysia đã nghiêng một cách rõ rệt sang quỹ đạo của Bắc Kinh kể từ khi Najib trở thành thủ tướng năm 2009. Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Yusof Ishak, khoảng 14 biên bản ghi nhớ và thỏa thuận trị giá 34 tỉ đô la Mỹ đã được ký kết với Bắc Kinh trong thời gian Najib cầm quyền.

Phần lớn số tiền này được dành cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn, đóng góp vào sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh, với việc China Inc. nghiễm nhiên đóng vai trò vừa là nhà đầu tư vừa là nhà thầu. Một trong những dự án này, tuyến đường sắt bờ Đông (ECLR) trị giá 13 tỉ đô la Mỹ được thiết kế để kết nối bờ Đông và bờ Tây của Malaysia và hình thành một phần của mạng lưới logistics quan trọng, nơi ngân hàng nhà nước Exim Bank của Trung Quốc đầu tư chủ yếu, trong khi một doanh nghiệp nhà nước khác, China Communications Construction Company, đang xây dựng mạng lưới.

Mahathir nói rằng, ông sẽ xem xét lại những dự án do Trung Quốc làm chủ thầu, không chỉ vì chúng làm tăng mức nợ công hiện tại của Malaysia, mà vì những dự án lớn này được tạo ra bởi những quan chức nội bộ đã lấp đầy túi bằng các khoản hối lộ và bồi dưỡng từ Trung Quốc.

Không chắc Mahathir sẽ nhận được ủng hộ từ Quốc hội để thu hồi các dự án này nhưng ông có thể trì hoãn chúng. Trước mắt, các thị trường, doanh nghiệp và nhà hoạch định chính sách sẽ theo dõi những gì xảy ra ở Malaysia một cách chặt chẽ.