Nhà sáng lập của Tesla đang phải trả giá cho những tweet gây tranh cãi, trong khi công ty đang vượt muôn trùng khó khăn với đầu tàu thiếu tin cậy.
Elon Musk phải rời ghế chủ tịch và nộp phạt 20 triệu đô la Mỹ. Ảnh: Bloomberg Finance
Elon Musk sẽ từ chức chủ tịch Tesla và nộp phạt 20 triệu đô la Mỹ sau khi bị Ủy bản chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC) khởi kiện ngày 27.9 vì tội gian lận. Hình phạt trên là lựa chọn duy nhất để Musk tránh bị cách ly hoàn toàn khỏi Tesla nếu theo đuổi vụ kiện và thua cuộc.
Nguyên nhân vụ kiện bắt nguồn từ các tweet tiết lộ ý định mua lại toàn bộ cổ phần của Tesla đang niêm yết trên sàn chứng khoán với giá 420 đô la Mỹ mỗi cổ phiếu, nhằm biến Tesla từ một công ty niêm yết trở thành công ty tư nhân (private). SEC đã bắt đầu điều tra vào tháng 8 và cho rằng các tweet liên quan tới ý định mua lại cổ phần trên của Elon Musk là gian lận bởi ông không hề thảo luận các điều khoản giao dịch cụ thể, bao gồm giá cả, với bất kỳ đối tác tài chính tiềm năng nào. Theo SEC, tuyên bố của Elon Musk là thiếu cơ sở thực tế.
Ban đầu đơn kiện của SEC nhắm tới Elon Musk và không đề cập đến Tesla. Ủy ban này cho rằng các tweet ngày 7.8 của Elon Musk là hành vi gian lận chứng khoán. Những gì Musk thông báo trên mạng xã hội Twitter không đúng sự thật bởi ngay sau đó, hội đồng quản trị Tesla thông báo công ty sẽ vẫn niêm yết trên sàn chứng khoán và không theo đuổi kế hoạch của Elon Musk.
Tesla “vạ lây”
Theo thông báo điều khoản hòa giải do SEC công bố, Tesla cũng phải nộp phạt 20 triệu đô la Mỹ vì không "thực hiện các biện pháp và quy trình kiểm soát thông tin có liên quan tới các tweet của Musk". Quan trọng hơn, Tesla sẽ phải đưa thêm hai thành viên độc lập mới vào hội đồng quản trị, thay vì chủ yếu là người thân, bạn bè và các nhà đầu tư thân thiết với Musk như trước.
Stephanie Avakian, đồng giám đốc thực thi luật pháp của SEC, cho biết: “Các biện pháp khắc phục và trợ giúp được công bố hôm nay được thiết kế đặc biệt để giải quyết sai phạm đang diễn ra, bằng cách tăng cường hoạt động quản trị doanh nghiệp và giám sát của Tesla để bảo vệ các nhà đầu tư. Elon Musk sẽ được thay thế bởi một chủ tịch độc lập khác và không được phép quay trở lại chức vụ này trong vòng ba năm.
Các tweets của Elon Musk là một quả bom nổ giữa ngày giao dịch chứng khoán, khiến cổ phiếu Tesla tăng hơn 10% cho đến khi Nasdaq tạm đình chỉ các giao dịch cổ phiếu của công ty này. Đó là “sự gián đoạn thị trường đáng lưu tâm,” SEC nhận định.
Tổng số tiền nộp phạt 40 triệu đô la Mỹ sẽ được dùng để bồi thường cho các nhà đầu tư bị tổn hại do giá cổ phiếu Musk tăng giá, sẽ được thi hành theo quy trình được tòa án phê duyệt. Họ là những nhà đầu tư đã bán cổ phiếu Tesla và chịu lỗ khi giá đột nhiên tăng mạnh. Điều này có thể đặc biệt gây khó chịu cho Musk, người có tiếng ôm mối thù ghét từ lâu với các nhà đầu tư bán cổ phiếu Tesla.
Elon Musk và Tesla đã đồng ý với các điều khoản hòa giải mà không chấp nhận hay chối bỏ các cáo buộc của SEC.
Khó khăn dồn dập
Dưới sự quản lý của Musk, Tesla đã phát triển thành nhà sản xuất những chiếc xe ô tô điện kiểu dáng đẹp, đắt đỏ, hàm chứa những công nghệ mới thú vị và đầy tính cách mạng. 8 năm kể từ ngày niêm yết công khai lần đầu trên sàn Nasdaq, công ty vẫn chưa thu được lợi nhuận và chỉ có hai quý báo lãi theo chuẩn mực kế toán GAAP.
Musk từng hứa hẹn Tesla sẽ có lãi ngay đầu sáu tháng cuối năm 2018, tức công ty phải chuyển sang sản xuất số lượng lớn mẫu xe sedan Model 3 có giá cả phải chăng. Sau nhiều lần chậm trễ và vật lộn với những khó khăn trong giai đoạn đầu sản xuất năm 2017, Tesla đã đạt được tỷ lệ lắp ráp ấn tượng 5.000 chiếc xe mỗi tuần vào thời điểm cuối trong sáu tháng đầu năm 2018. Nhưng gần đây, sản phẩm của công ty lại gặp khó khăn trong khâu logistics. Tesla không sử dụng các đại lý và nhà phân phối xe, đồng nghĩa với việc thiếu khả năng đưa Model 3 đến tay khách hàng. Cụ thể những ai muốn sở hữu mẫu xe này sẽ phải đặt hàng và chờ đến tận hai năm. Vụ kiện xảy ra kề cận ngày 30.09, thời điểm cuối quý ba và Tesla đang vội giao cho khách hàng càng nhiều xe càng tốt.
Vị tỉ phú “lắm tài nhiều tật” và hội đồng quản trị không độc lập
Tranh chấp với SEC nối gót vụ việc Elon Musk chỉ trích không bằng chứng một người Anh đã tham gia giải cứu đội bóng Thái Lan bị mắc kẹt trong hang động là một kẻ ấu dâm và bị người này kiện tội phỉ báng.
Trong các cuộc phỏng vấn với tờ New York Times vào tháng 8, vị tỉ phú đã đề cập tới thói quen làm việc lên tới 120 giờ mỗi tuần để đẩy mạnh quá trình sản xuất Model 3. Ông đã phải uống Ambien, một loại thuốc an thần, để ngủ, bất chấp tác dụng phụ. Elon Musk cũng là nguồn cơn gây tranh cãi trong tháng 9 khi hút cần sa trong quá trình thực hiện phỏng vấn với một danh hài.
Bất kể những bê bối pháp lý và tranh cãi, hiện tại Elon Musk vẫn là một nhân tố không thể thiếu với Tesla, chuyên gia phân tích UBS Colin Langan nhận định trong một ghi chú trước khi vụ dàn xếp với SEC diễn ra. "Trong quá khứ, Tesla có thể dễ dàng tiếp cận thị trường vốn, phần lớn là nhờ việc công chúng nhìn nhận Elon Musk là một người có tầm nhìn xa trông rộng," ông chia sẻ. "Nếu không có Elon Musk, các nhà đầu tư có thể sẽ ngừng bỏ tiền vào một công ty chưa năm nào kinh doanh có lãi."
Kể từ năm 2016, Tesla ghi nhận một lượng lớn các thành viên trong ban giám đốc từ chức, dấy lên nghi ngại về sự ổn định của bộ máy đứng đầu công ty. Trong số chín ghế tại hội đồng quảng trị Tesla, vị trí của Steve Jurvetson, đồng sáng lập của Draper Fisher Jurvetson, nhà đầu tư và người bạn thân thiết của Elon Musk, vẫn để trống từ tháng 11.2017. Ông đã buộc phải rời công ty vì cáo buộc hành vi quấy rối tình dục.
Các cổ đông đề cao lợi ích nhà đầu tư cho rằng Kimbal Musk, anh trai của Elon, cũng nên được thay thế bằng một thành viên độc lập. Trước khi vụ kiện với SEC xảy ra, Aeisha Mastagni, giám đốc quỹ hưu trí cho giáo viên tại California, đã nói với Forbes rằng Tesla "không đủ độc lập để thực sự giám sát Elon". "Hội đồng quản trị đầy rẫy những xung đột. Anh trai của Elon Musk, Kimbal Musk, đã không đảm nhiệm vai trò thành viên hội đồng quản trị đủ nghiêm túc để tham dự ít nhất 75% các cuộc họp," cô nhận xét.