1. Hoa đào
Đào là loài hoa không thể thiếu trong ngày xuân của người miền Bắc. Hoa mang lại sự ấm cúng cho mỗi nhà, gieo vào lòng người niềm vui, hy vọng vào năm mới. Cây đào được xem là tinh hoa của ngũ hành, nó không chỉ có tác dụng xua đuổi tà ma, mà còn mang đến nguồn sinh khí, giúp con người khỏe mạnh và bình an trong năm mới.
Hoa đào tượng trưng cho Tết miền Bắc. (Ảnh: Xuân Tùng)
2. Hoa cúc
Hoa cúc là loài hoa thích hợp với tiết trời thu - đông, mang đến một năm mới sung túc, trường thọ. Hoa cúc vàng và hoa cúc đỏ được dùng nhiều. Màu sắc mạnh mẽ và ấm cúng của hoa làm không khí ngày Tết thêm ấm cúng, mang lại những niềm hoan hỉ, niềm vui và được coi là tăng thêm phúc thêm lộc. Hơn nữa, đây là loại hoa giá cả phù hợp lại tươi lâu, màu hoa bền bỉ. Hoa cúc cũng được dùng để thờ là chính.
Cúc vàng thường được cắm trên bàn thờ ngày Tết. (Ảnh: Phan Dương)
3. Hoa thủy tiên
Hoa thủy tiên có tác dụng khử tà, cũng như tăng thêm tài khí cho gia đình. Với người Hà Nội, có được cây hoa thủy tiên nở đúng giao thừa, sáng mùng một thì không còn lộc đầu xuân nào quý giá bằng. Người Hà Nội thường đặt một bình thủy tiên lên bàn thờ, chờ đúng thời khắc giao thừa có một bông hoa bật nở. Hương thơm của thủy tiên hòa quyện với mùi hương trầm, cam canh, bưởi diễn... mang đến sự thanh tịnh, phúc lộc đầy nhà.
Hoa thủy tiên thường được các gia đình Hà Nội chưng trong ngày Tết. (Ảnh: Nguyễn Phú Cường)
4. Hoa lay ơn
Cây hoa lay ơn còn một cái tên khác là "kiếm lan". Đây là loại hoa được nhiều người ưa chuộng trong dịp ngày xuân năm mới. Hoa có dáng đẹp, tươi rất lâu. Không ít gia đình thích cắm lay ơn vào một chum to, chọn các bông dài, nhiều hoa nhất để chơi được từ Tết cho tới rằm tháng Giêng. Lay ơn là sự hiện diện cho tình cảm ấm áp, keo sơn. Thập niên 1980, trong đám cưới người Hà Nội cô dâu bắt buộc phải ôm theo một bó lay ơn đỏ có lẽ cũng vì lẽ này.
Hoa lay ơn thể hiện cho sự ấm áp, kéo sơn. (Ảnh: Phan Dương)
5. Hoa lan
Hoa lan mang vẻ đẹp kiều diễm cùng hương thơm tinh khiết, từ lâu vốn là biểu tượng phong thủy của sự sinh sôi nảy nở. Lan đa dạng về chủng loại, màu sắc, lại có độ bền cao. Trang trí hoa này như mang cả tinh túy của tạo hóa vào ngôi nhà bạn ngày Tết.
Phong lan tượng trưng cho sự cao quý, được ưa chuộng vào ngày Tết. (Ảnh: Phan Dương)
6. Hoa ly
Vẻ đẹp của hoa ly gắn liền với sự trong trắng, chung thủy và cao thượng. Những năm gần đây nhiều gia đình Việt Nam thích cắm ly trong nhà bởi hoa có nhiều màu sắc, kiểu sáng, bền lâu và hương thơm mạnh mẽ, hài hòa với mùi hương trầm ngày Tết.
Các gia đình thường cắm một bình ly ngày Tết vì hoa bền, đẹp và thơm. (Ảnh: Phan Dương)
7. Đồng tiền
Đồng tiền là loài hoa thường được các gia đình trồng trong vườn hay cắm trang trí dịp đầu năm. Loài hoa này mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp như đem lại tài lộc, may mắn, tuổi thọ cho cả nhà.
Hoa đồng tiền mang lại tài lộc, may mắn. (Ảnh: Nguyễn Phú Cường)
8. Thược dược
Dù ngày càng xuất hiện nhiều loài hoa nhập ngoại nhưng thược dược với vẻ đẹp bình dị, gần gũi vẫn có một vị trí đặc biệt trong ngày Tết. Loài hoa mỏng manh và màu sắc sặc sỡ thích hợp với tiết trời mềm mại ngày xuân. Cắm một bình hoa thược dược trong ngày giúp cho tâm hồn thư thái, yêu đời.
Hoa thược dược mang vẻ đẹp bình dị, hợp sắc xuân. (Ảnh: Phan Dương)
9. Hoa hải đường
Hải đường thường ra hoa rộ vào dịp Tết Nguyên đán. Có thể coi nó như một loại hoa ngày Tết như đào, mai hay cúc dù không phổ biến lắm. Nhiều gia đình miền Bắc thích cắm hải đường lên bàn thờ hoặc chưng hoa trong nhà vào dịp Tết. Hoa này tượng trưng phú quý cho gia đình, anh em hòa hợp, cuộc sống vui vầy, đầm ấm.
Hoa hải đường thường được đặt lên bàn thờ ngày Tết. (Ảnh: Trần Thị Hà)
10. Hoa hồng
Hoa hồng cũng là loại hoa phổ biến các gia đình hay mua cắm Tết. Bên cạnh để bàn thờ, nhiều gia đình còn chưng những bình hồng rất to ở phòng khách. Nó vừa đẹp, lại trang trọng, mang đến may mắn, tốt lành.
Hoa hồng là loại hoa cơ bản trong ngày Tết ở mọi vùng miền. (Ảnh: Phan Dương)