PGS Vũ Thị Lan Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội nhấn mạnh điều này khi thảo luận dự thảo Luật nói trên.Cá nhân PGS và những người làm trong lĩnh vực GDĐH tại các cơ sở GDĐH nói chung, Trường Đại học Luật Hà Nội nói riêng rất mong đợi những sửa đổi bổ sung Luật lần này sẽ sớm được thông qua và đi vào cuộc sống.PGS Vũ Thị Lan Anh phân tích, trước hết, theo quy định của dự thảo Luật, để được trao quyền tự chủ trong nhiều lĩnh vực, các cơ sở GDĐH sẽ phải đạt chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở GDĐH và thành lập Hội đồng trường. Điều này sẽ thúc đẩy các cơ sở GDĐH phấn đấu để đạt điều kiện được tự chủ.Khi các trường được tự chủ toàn diện về hoạt động chuyên môn, về bộ máy tổ chức, nhân sự, về quản trị đại học, về quản lý đào tạo, về tài chính, tài sản, khi đó trường mới được chủ động trong đầu tư và sử dụng mọi nguồn lực có thể để nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, cơ sở vật chất, đẩy mạnh dịch vụ, tăng nguồn thu hợp pháp để nâng cao đời sống đội ngũ giáo chức.Đặc biệt là những đổi mới quản lý nhà nước trong điều kiện tự chủ đại học sẽ giúp cho các cơ sở GDĐH có cơ hội phát triển một cách chủ động, linh hoạt. Với việc mở biên tối đa về quản lý chuyên môn, học thuật, có thể thấy, tư duy quản lý nhà nước về GDĐH hiện đại đã và đang thay đổi.Nhà nước thông qua Chính phủ, Bộ GD&ĐT sẽ không can thiệp trực tiếp vào công việc cụ thể của các cơ sở GDĐH mà chỉ ban hành khung pháp lý, qua việc nghiên cứu xây dựng, ban hành hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý để kiểm soát chất lượng; đưa ra các tiêu chuẩn, các tiêu chí, các chính sách, chiến lược phát triển, quy hoạch các cơ sở GDĐH và thực hiện nghiêm việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.Khi đó, nhà nước sẽ thực hiện đúng chức năng quản lý nhà nước của mình, tức là thực hiện quản lý nhà nước về mặt vĩ mô, còn về vi mô thì các cơ sở GDĐH được tự quyết định. Như vậy, việc đưa ra những quy định này của Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Giáo dục đại học sẽ tạo một cú huých rất mạnh cho GDĐH phát triển.“Chính vì thế, với việc sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện 4 chính sách trụ cột này về GDĐH, tôi tin rằng rằng trong thời gian tới các cơ sở GDĐH sẽ có sự thay đổi rất mạnh mẽ và nhanh chóng về quy mô, chất lượng để hội nhập với GDĐH quốc tế, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa của kinh tế-xã hội đất nước” - PGS Vũ Thị Lan Anh nhấn mạnh.Minh Phong (ghi)
Việt Nam xây dựng biểu tượng chỉ dẫn địa lý quốc gia 24-02-2019, 14:40