Một hiệu trưởng chia sẻ việc ngại tiếp xúc với báo chí; “thượng sách” là: Tránh cho lành! Hỏi sao lại có cách nhìn tiêu cực thế, anh trần tình: Cái tốt thì không tuyên truyền, nhưng cái gì không tốt là được khai thác ngay! Có lần nhà trường nháo nhào hết cả lên vì một lá đơn thư quy chụp. Chưa biết kết luận ra sao, không tìm hiểu thông tin hai chiều, nhưng cứ thế được đăng tải lên một tờ báo. Thế là nhà trường “liểng xiểng” dù sau này thanh tra kết luận đơn thư tố cáo không có cơ sở. Mất công nhất là củng cố lại niềm tin của phụ huynh, học sinh, rồi ổn định đội ngũ…
Trong thực tế, đôi lúc vì sự thổi phồng của truyền thôngvô tình tạo ra định kiến trong xã hội, khiến việc hoạch định chính sách GD, các bước đổi mới GD lại càng khó khăn thêm. Trên mạng xã hội, nói về GD ai cũng hóa “chuyên gia”, dễ dàng đưa ra lời phê phán. Nhiều hơn cả là yêu cầu phải chịu trách nhiệm, phải thay đổi, phải giải quyết…
Trong khi không ít người say sưa gõ bàn phím, ném đá lại đang phó thác toàn bộ việc dạy dỗ con cái cho nhà trường, tự cho mình quyền thõng tay vô can. Họ không hiểu lẽ đơn giản rằng, việc giáo dục HS nên người cần sự phối hợp của cả nhà trường, gia đình, xã hội.
Ánh mắt “người trong nhà” nhìn GD thì thế, vậy người ngoài nhìn GD Việt Nam thế nào? TS Huỳnh Thế Du - Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright Việt Nam - tại một Hội thảo cuối năm 2018 đưa ra nhận định được đăng tải trên báo chí: Những đánh giá của cộng đồng quốc tế đang cho ra một bức tranh GD Việt Nam sáng màu hơn rất nhiều so với đa số những gì người ta đang nghe thấy về GD nước nhà.
Bằng chứng là năm 2018, Báo cáo Tăng trưởng thông minh hơn - Học tập và Phát triển công bằng ở Đông Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2018 phân tích trong GD phổ thông, Việt Nam đã nỗ lực tập trung vào 5 lĩnh vực chính sách: Đồng bộ thể chế để bảo đảm các điều kiện học tập cơ bản; Tập trung chi tiêu công hiệu quả và công bằng cho GD cơ bản; Tuyển chọn và hỗ trợ GV trong suốt quá trình giảng dạy, giúp họ yên tâm đứng lớp; Bảo đảm trẻ sẵn sàng học tập khi đến trường; Đánh giá HS để xác định vấn đề và cải thiện hoạt động giảng dạy. Mới đây, 2 ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TP Hồ Chí Minh lọt top 1.000 trường ĐH thế giới theo bảng xếp hạng QS…
Mới đây, cùng dự buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với T.Ư Đoàn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã bày tỏ mong muốn phối hợp tốt với T.Ư Đoàn về công tác tuyên truyền gương tốt trong HS, SV với khẩu hiệu: “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi ngày một câu chuyện đẹp”. HS, SV cần được tiếp cận thông tin đầy đủ gương tốt theo hướng tích cực, tránh tuyên truyền nhiều theo hướng tiêu cực, “giáo dục không trong sáng”.
Thực tế cho thấy, không thiếu chất liệu để nhận diện một nền GD với 365 ngày trong năm, với 365 câu chuyện về trường học sáng tạo, tấm gương nhà giáo, HS chăm ngoan. Báo chí đưa thông tin và phản ánh đúng hiện thực về các nhà trường, HS, về ngành GD cần được ghi nhận và khuyến khích. Nhưng khi trong GD có hiện tượng vi phạm lại phải nghiên cứu rất kỹ trước khi gõ phím đưa tin, bởi điều đó không chỉ ảnh hưởng đến 1- 2 người trong cuộc, mà còn liên quan đến hơn 1 triệu giáo viên, hơn 20 triệu học sinh cùng các bậc cha mẹ.
Ngành GD vẫn là nhân tố góp phần đảm bảo cho an ninh và sự bền vững của nền chính trị đất nước. Hài lòng với GD thì có thể chưa hẳn, nhưng người nào chê bai GD thì người đó không có trái tim!
Tâm An