Đổi mới GD-ĐT đang được hiện thực hóa qua từng chương trình và tiết họcGD&TĐ - Bước vào năm mới Kỷ Hợi với những tín hiệu khả quan, toàn ngành Giáo dục quyết tâm thực hiện tốt 9 nhiệm vụ và 5 giải pháp. Khát vọng về một nền giáo dục phát triển đã và đang được hiện thực hóa.Nhìn lại năm 2018, ngành Giáo dục đã gặt hái được nhiều kết quả đáng tự hào. Trong đó thành quả rõ nhất là việc: Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học với nhiều điểm mới; Kết quả đổi mới giáo dục của Việt Nam được các nước, tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao; Lần đầu Việt Nam có các trường đại học lọt top 500, 1000 châu lục và thế giới; Học sinh Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic châu Á và quốc tế, khoa học trẻ quốc tế đạt thành tích tốt nhất từ trước đến nay... Đây là cơ sở để ngành Giáo dục tự tin bước vào năm 2019 với những dự định và khát vọng vươn lên, sánh vai với các cường quốc năm châu.Năm Kỷ Hợi đã “gõ cửa” từng nhà và hiện diện trong từng ngôi trường trên mọi miền của Tổ quốc. Ngay trong ngày đầu năm mới, chúng ta đã đón nhận những niềm vui, sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo Đảng và Nhà nước.Trong dịp Tết Kỷ Hợi, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đến thăm, chúc Tết nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình. Trong không khí ấm áp của mùa Xuân, bà Nguyễn Thị Bình đã có những chia sẻ, trăn trở để làm sao có cơ chế, chính sách phù hợp cho nhà giáo; đồng thời đặc biệt quan tâm đến vấn đề phát triển đội ngũ nhà giáo cả về số lượng và chất lượng... Qua đó cho thấy, Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với đội ngũ thầy cô giáo nói riêng và sự nghiệp GD-ĐT của nước nhà nói chung.Nói như Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, giáo dục được cả xã hội dõi theo, kỳ vọng và đặt niềm tin. Điều này tạo động lực cho ngành nhưng cũng cần thêm sự chia sẻ và đồng hành từ xã hội. Những gì đã tốt chúng ta sẽ giữ ổn định, những gì chưa tốt cần phải nghiên cứu, đổi mới. Nếu chúng ta vẫn giữ sự “ổn định” của những điều chưa hợp lý, thì đó là sự thụt lùi, bởi xã hội tiến lên từng ngày.Bởi thế ngay trong những ngày đầu năm 2019, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã phát đi thông điệp, quyết tâm cắt giảm áp lực cho giáo viên và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm trong năm mới. Những điều đó đã được cụ thể hóa bằng Chỉ thị 138/CT- BGDĐT về việc chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường. Theo chỉ thị này, giáo viên sẽ được phép chọn hình thức trình bày, viết tay hoặc đánh máy khi sử dụng các loại hồ sơ, sổ sách theo quy định.Theo Bộ trưởng, đội ngũ giáo viên là nhân tố quyết định thành công của quá trình đổi mới giáo dục. Vì vậy, dành sự quan tâm cho giáo viên, tạo động lực cho họ chính là chúng ta đặt nền móng cho thành công của quá trình đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Quan trọng là phải tạo ra được khát vọng, niềm tin cống hiến cho đội ngũ giáo viên và khát vọng ấy phải được hòa vào khát vọng xây dựng và phát triển đất nước.Với những thành công của đổi mới giáo dục trong năm qua, cùng với sự quyết tâm hành động của ngành Giáo dục, sự quan tâm của xã hội; tin rằng, năm 2019 ngành Giáo dục sẽ có nhiều thành quả hơn nữa; tạo tiền đề vững chắc triển khai Chương trình, SGK mới đối với GDPT; đồng thời, tạo điều kiện cần và đủ để các cơ sở giáo dục đại học chuyển sang cơ chế tự chủ và tự chịu trách nhiệm.Tâm An
Lee Jong Suk mệt mỏi trở về Hàn Quốc sau khi bị chính quyền Indonesia giam giữ 6-11-2018, 13:10