Quản lý, giám sát hoạt động lữ hành quốc tế

Mới đây, nhiều khách hàng đã gửi đơn tố cáo tới lực lượng chức năng TP Hồ Chí Minh về việc một công ty du lịch có tên Golux (địa chỉ tại quận 1) thu tiền của khách nhưng không tổ chức tua đi nước ngoài đúng thời gian quy định, khách hàng cũng không thể đòi lại tiền vì công ty đã "biến mất". Theo Thanh tra Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, Golux không có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, và năm 2017, công ty này từng bị xử phạt 45 triệu đồng vì lỗi này.

Vậy mà sau đó Golux vẫn có thể "âm thầm" kinh doanh tua đi nước ngoài cho tới khi xảy ra sự cố nêu trên… Sự việc này một lần nữa báo động về tình trạng kinh doanh du lịch "chui" đang diễn ra khá phổ biến, cũng như bộc lộ nhiều lỗ hổng trong việc quản lý, giám sát hoạt động lữ hành của cơ quan chức năng.

Còn nhớ, giữa năm 2017, hàng chục du khách Việt Nam ở Thái-lan đã phải tự tìm cách về nước do lỡ mua phải tua "ảo" của Công ty EPAC - đơn vị không được cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế. Ðầu năm 2017, Công ty TNHH dịch vụ du lịch Giấc mơ Vàng khiến dư luận bất bình khi chỉ được cấp giấy đăng ký kinh doanh lữ hành với khách du lịch trong nước nhưng vẫn lén lút tổ chức tua du lịch mạo hiểm cho khách nước ngoài ở Lâm Ðồng, khiến một du khách người Ba Lan và một hướng dẫn viên người Việt Nam chết. Trước đó, Travel Life cũng gây choáng váng khi bỏ rơi hơn 700 du khách Việt Nam tại Thái-lan. Công ty này bị phạt hơn 90 triệu đồng với lỗi nặng nhất là không có chức năng nhưng vẫn tổ chức tua đưa khách trong nước đi du lịch nước ngoài. Tuy vậy trước khi quyết định xử phạt đến nơi, công ty đã kịp biến mất…

Thực tế, việc kinh doanh du lịch "chui" những năm gần đây không còn là hiện tượng cá biệt ở nước ta. Có công ty chỉ đăng ký kinh doanh vận chuyển du lịch nhưng tổ chức cả những tua tham quan trong nước và ngoài nước. Có những đơn vị chỉ được phép kinh doanh lữ hành trong nước nhưng vẫn tự ý lấn sân kinh doanh lữ hành quốc tế, gây nhiều hậu quả. Tình trạng này tồn tại khá phổ biến ở một số thị trường du lịch trọng điểm như: TP Hồ Chí Minh, Thừa Thiên - Huế, Ðà Nẵng, Khánh Hòa…

Kinh doanh du lịch "chui" không chỉ tiềm ẩn nhiều rủi ro với du khách mà còn khiến môi trường kinh doanh du lịch trở nên thiếu lành mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hình ảnh và uy tín thương hiệu du lịch Việt Nam. Thời gian qua, mặc dù ngành du lịch và các cơ quan chức năng thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh lữ hành, nhưng vẫn chưa thể chặn đứng những diễn biến ngày càng tinh vi của hoạt động kinh doanh du lịch "chui". Việc tái phạm của những đơn vị đã từng bị xử lý vi phạm cũng cho thấy công tác xử phạt chưa đủ sức răn đe. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp cho nên để có thể chấn chỉnh hiệu quả tình trạng kinh doanh lữ hành trái phép, rất cần sự phối hợp liên ngành chặt chẽ, đồng bộ. Song song công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên của cơ quan quản lý, còn cần sự phối hợp của các đơn vị hải quan, quản lý xuất nhập cảnh, biên phòng và những ban, ngành liên quan trong việc hậu kiểm đối với các công ty dẫn khách tại cửa khẩu hay tại các khu du lịch trọng điểm. Việc quản lý, giám sát cũng cần được tiến hành mở rộng trên môi trường mạng, để nhanh chóng phát hiện những nội dung quảng cáo bán tua không đúng chức năng đăng ký của các đơn vị.

Bên cạnh đó, để có thể giải quyết tình trạng kinh doanh lữ hành "chui" một cách triệt để, cần nâng cao nhận thức cho khách du lịch. Ngành du lịch cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, kịp thời phát hiện những hiện tượng bất thường, bất cập trong hoạt động lữ hành, đưa ra những khuyến cáo để du khách thận trọng khi tiếp cận những tua du lịch giá rẻ. Bản thân du khách, trước khi quyết định mua tua cần tìm hiểu kỹ về tính hợp pháp của công ty bán tua cũng như các dịch vụ trong chi phí tua để bảo đảm những quyền lợi thiết thực nhất của mình. Việc mỗi du khách cẩn trọng trong lựa chọn hãng lữ hành uy tín để "chọn mặt gửi vàng" chính là biện pháp hữu hiệu nhất để những đơn vị kinh doanh "chui" không còn "đất" hoạt động.

Trang Anh/Nhandan