Cách Hà Nội 5-6 tiếng di chuyển, Sapa là thiên đường tránh nóng vào mùa hè cũng là một trong những nơi ngắm lúa chín đẹp nhất Tây Bắc.
Tận hưởng đủ cảnh đẹp khi du lịch Sapa chỉ trong 3 ngày
Di chuyển
Ôtô: Các bạn có thể đi ôtô khách ở bến Mỹ Đình (Hà Nội) hoặc đặt xe Limousine ngồi cho thoải mái. Cao tốc Hà Nội – Lào Cai rút ngắn thời gian di chuyển từ Thủ đô tới Sapa còn 5-6 tiếng. Nếu đi ôtô khách, bạn nên chọn di chuyển từ tối hôm trước, lên xe ngủ một giấc là tới sáng ở Sapa luôn. Giá vé mỗi chiều khoảng 170.000 – 350.000 đồng tùy hãng.
Tàu hỏa: Bạn đặt vé tàu online hoặc mua tại ga Hà Nội tuyến Hà Nội – Lào Cai (thường chạy vào 21-22h hàng ngày) sau đó đi tiếp xe bus từ Lào Cai – Sapa. Vì phải xuống và lên xe thêm một chặng nữa nên các bạn cần phải cân nhắc. Vé tàu hỏa dao động từ 155.000 đến 700.000 đồng tùy theo loại ghế hay giường mà bạn chọn. Thời gian di chuyển lâu hơn xe khách khoảng 2 tiếng.
Di chuyển ở Sapa: Nếu đi tự túc, bạn nên thuê xe máy. Đường ở Sapa rất nhiều dốc vì thế bạn nhớ kiểm tra kỹ phanh xe. Giá cho thuê xe khoảng 100.000 – 200.000 đồng mỗi ngày tùy loại xe số hay ga.
Lưu trú
Sapa có đủ loại hình lưu trú cho bạn chọn từ nhà nghỉ, homestay ở bản, hostel, cho tới các khách sạn 4-5 sao, resort cao cấp nằm biệt lập. Ngoài các kiểu homestay, khách sạn giá rẻ thông thường, bạn còn tìm thấy khách sạn dạng kén khá thú vị, với góc nhìn đẹp và phù hợp cho khách du lịch tự túc một mình. Giá một đêm ở đây từ 250.000 đồng một người. Với resort ở Sapa có những nơi đáng chú ý là Topas Ecolodge, Sapa Jade Hill, Sapa Highland…
Du lịch Sapa, nếu chọn homestay hãy tìm tới các bản như Cát Cát, Lao Chải, Tả Van để được tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ và sự vắng lặng, thanh bình của núi rừng Tây Bắc. Giá phòng dorm từ 150.000 đồng một người, giá phòng đôi dạng bungalow từ 500.000 đồng. Một số homestay được giới trẻ Việt cũng như khách Tây yêu thích là Nam Cang riverside Lodge, Eco Palms House, Heaven Sapa, Viet Trekking, Phơri’s House…
Ăn uống
Đến du lịch Sapa, bạn không thể bỏ qua những món đặc sản Tây Bắc như thắng cố, mèn mén, lẩu cá (cá tầm, cá hồi), các loại thịt xiên nướng, cơm lam, lợn bản, gà đồi, cá suối… Nếu đi nhiều người có thể chọn món lẩu cá tầm, cá hồi, mỗi nồi khoảng 300.000 – 600.000 đồng, đủ cho 3-6 người ăn. Đồ xiên nướng có thể thấy ở rất nhiều nơi, nhất là các hàng quán vỉa hè hoặc chợ đêm Sa Pa. Mỗi xiên tùy loại thịt và rau có giá 10.000 – 20.000 đồng.
Lịch trình
Ngày 1: Leo núi Hàm Rồng – nhà thờ Đá Sapa – dạo phố ở thị trấn
Ngày 2: Thăm bản Cát Cát – Đèo Ô Quy Hồ – Thác Bạc – Thác Tình Yêu
Ngày 3: Đi tàu trên núi và cáp treo tới đỉnh Fansipan – mua sắm – về Hà Nội
Trung tâm Sapa trước đây và bây giờ vẫn luôn nhộn nhịp du khách vì có nhiều điều để khám phá. Ảnh: Hương Chi.
Ngày 1
Núi Hàm Rồng và nhà thờ Đá Sapa là hai điểm du lịch nổi tiếng nằm ngay trung tâm thị trấn mà ai tới đây cũng phải tham quan một lần. Với phong cảnh thần tiên và mờ ảo, núi Hàm Rồng thu hút rất đông du khách. Chỗ thấp nhất của núi là 1.450m, và đỉnh cao nhất hơn 1.800m.
Từ trên đỉnh núi, bạn có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn hầu hết các điểm du lịch nổi tiếng của thị trấn Sapa như thung lũng Mường Hoa, bản Tả Van, bản Cát Cát… Núi Hàm Rồng thích hợp để tổ chức một buổi leo núi dã ngoại, kết hợp ăn uống và mua sắm, ngắm cảnh vì trên đường lên núi có vô số hàng quán cùng với các vườn hoa đẹp. Giá tham quan khu du lịch núi Hàm Rồng là 70.000 đồng với người lớn và 20.000 đồng với trẻ em.
Kiến trúc nhà thờ cổ giữa lòng phố núi Sapa. Ảnh: Lam Linh.
Sau khi đi núi Hàm Rồng, bạn trở về trung tâm thị trấn cách đó không xa để ghé vào nhà thờ Đá Sapa. Đây là công trình biểu tượng của phố núi được khởi công năm 1895. Nhà thờ được xây theo hình thập giá mang phong cách Gothic, thể hiện ở mái nhà, tháp chuông, vòm cuốn… đều là hình chóp tạo nên nét bay bổng thanh thoát cho công trình.
Những con phố nhỏ ở trung tâm Sapa cũng là nơi thú vị cho bạn khám phá. Ở đây có nhiều quán cà phê, nhà hàng, quán bar hay dịch vụ spa, tắm lá thuốc trên đường Cầu Mây, Mường Hoa, Ngũ Chỉ Sơn… Buổi tối cuối tuần, bạn còn có thể tham gia chợ tình Sapa ngay tại quảng trường phía trước nhà thờ Đá.
Ngày 2
Lịch trình ngày thứ hai di chuyển nhiều hơn nên bạn cần chú ý ăn uống đầy đủ và mặc đồ phù hợp. Bản Cát Cát nằm cách trung tâm Sapa 2 km nên bạn có thể chọn trekking hoặc xe máy đều được. Đây là một bản làng người Mông yên bình, còn bảo tồn nhiều phong tục và các nghề thủ công truyền thống như dệt vải, chạm trổ bạc, chế tác trang sức…
Cánh đồng lúa ở Cát Cát kéo dài tới tận Lao Chải – Tả Van – Bản Dền – Thanh Kim… Ảnh: Trần Việt Anh.
Con đường đến bản khá đẹp, bạn sẽ đi qua những đoạn đường cua tay áo uốn lượn, hai bên là các thửa ruộng bậc thang lấp ló các mái nhà dân tộc. Đi qua cây cầu Si là tới trung tâm bản Cát Cát, nơi hội tụ của ba dòng suối: suối Tiên Sa, suối Vàng và suối Bạc. Tham quan bản, ngoài tìm hiểu đời sống người Mông, bạn còn có cơ hội mua các sản phẩm thủ công làm quà, thưởng thức những sản vật địa phương. Vé vào thăm bản Cát Cát là 50.000 đồng một người.
Sau khi ăn trưa, bạn có thể lên đường tới Thác Tình Yêu ngay cạnh bản Cát Cát với vé 20.000 đồng một người. Tiếp đó bạn chạy xe tới Thác Bạc cách trung tâm thị trấn khoảng 12 km về phía tây. Trên đường đi, từ xa là bạn có thể nghe thấy tiếng thác đổ ầm ào và hình ảnh dòng nước trắng xóa như dải lụa ẩn hiện giữa mây núi. Giá vé tham quan thác là 20.000 đồng một người.
Cách Thác Bạc 3 km là đỉnh đèo Ô Quy Hồ – một trong số những đường đèo dài, hiểm trở và hùng vĩ bậc nhất ở miền núi phía bắc Việt Nam. Đèo dài gần 50 km nằm trên quốc lộ 4D là nơi nối liền hai tỉnh Lào Cai – Lai Châu. Đứng từ đỉnh đèo, chắc chắn bạn sẽ thấy choáng ngợp và nhận ra mình thật bé nhỏ trước thiên nhiên núi rừng Tây Bắc. Lưu ý, hãy canh giờ tới đèo khoảng 17h – 17h30 bởi bạn sẽ được ngắm nhìn “đã mắt” khung cảnh hoàng hôn vừa buông xuống.
Ngắm hoàng hôn trên Ô Quy Hồ, thăm thác Tình Yêu, Thác Bạc, trekking các bản làng là những trải nghiệm không thể bỏ qua ở Sapa. Ảnh: Trần Việt Anh.
Ngày 3
Trước ngày trở về phải ngồi tàu xe nhiều giờ, bạn hãy chọn đi cáp treo và tàu leo núi để tới đỉnh Fansipan mà không mất quá nhiều sức lực. Buổi sáng bạn xếp hàng mua vé tại ga tàu hỏa leo núi ở đối diện quảng trường thị trấn Sapa. Giá vé cáp treo 700.000 đồng một người, vé tàu hai chiều 150.000 đồng một người.
Để tới đỉnh Fansipan bạn đi theo lộ trình tàu hỏa leo núi rồi cáp treo, sau đó một lượt đi tàu hỏa nữa hoặc đi bộ leo 600 bậc thang. Mỗi lượt tàu kéo dài khoảng 6-7 phút, mỗi lượt cáp treo chừng 30 phút. Những người thích đi bộ có thể thong thả leo bậc thang, tham quan quần thể tâm linh trên Fansipan có Kim Sơn Bảo Thắng Tự, tháp 11 tầng, tượng đồng Quan Thế Âm Bồ Tát, đại tượng phật A Di Đà bằng đồng lớn nhất Việt Nam… Ngoài ra, tại trạm dừng của cáp treo và tàu hỏa leo núi đều có các gian hàng bán đồ lưu niệm, nhà hàng… phục vụ nhu cầu mua sắm, ăn uống của du khách.
Khung cảnh Sapa khi nhìn từ cáp treo lên đỉnh Fansipan. Ảnh: Phong Vinh.
Trên đỉnh Fansipan nếu may mắn đi vào ngày nắng ráo, bạn sẽ được ngắm nhìn biển mây bồng bềnh và chụp hình đẹp hơn rất nhiều. Tuy nhiên, thời tiết trên đỉnh núi thường xuyên có sương dày và mưa, bạn hãy chú ý mang theo áo khoác, ô mũ, đồ bảo quản máy ảnh, điện thoại để chống ẩm mốc.
Thời gian tham quan và chiêm ngưỡng Fansipan có thể tốn hết của bạn một buổi sáng. Buổi chiều là thời gian bạn được nghỉ ngơi, ăn uống và dọn đồ để trở về Hà Nội.
Lưu ý
Tiết trời Sapa quanh năm mát mẻ, cuối năm thường lạnh hơn và thậm chí có cả tuyết rơi. Nếu du lịch Sapa mùa thu này, bạn nên trang bị thêm:
– Áo khoác ngoài, khăn quàng, mũ
– Áo mưa mỏng hoặc ô tránh mưa và sương dày
– Giày thể thao để đi bộ, trekking các bản
– Các loại thuốc chống côn trùng, thuốc cảm