Là người Hà Nội hay từng thăm hoặc ở Hà Nội, bạn chắc hẳn sẽ có lúc bắt gặp những bác già hiền lành ngồi vo vê những tảng chất dẻo thành nhiều hình thù dễ thương, gắn liền với tuổi thơ của mỗi người. Tò he, thứ đồ chơi quen thuộc năm nào thôi thúc tôi tìm đến nơi cội nguồn của nó – làng tò he Xuân La (xã Phượng Dục, huyện Phú Xuyên, Hà Nội).Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, tò he gắn với tâm trí tôi từ những ngày mẫu giáo, cho tới tận hết cấp 2. Những ngày đó, ra khỏi cổng trường là bắt gặp những bác già hiền lành bên chiếc xe đạp cũ kỹ, chở phía sau một cái hòm nhỏ được đục lỗ trên bề mặt, trên đó là những chiếc que gắn hình con rồng, bông hoa hồng, Tôn Ngộ Không, Son Goku hay Doraemon làm bằng chất gì đó mềm mềm thơm thơm. Con trẻ luôn bị thu hút bởi màu sắc, nên thời đó cứ thi thoảng tôi lại đòi bố mẹ mua 1 con, về cắm khắp nhà.Những chiếc tò he đầy màu sắc rất thu hút.Tò he chỉ được làm duy nhất ở làng Xuân La, ngôi làng thuộc huyện Phú Xuyên nổi tiếng với những làng nghề lâu đời. Trò chơi dân gian này trước kia có thể ăn được, do bột nặn được tạo ra từ gạo nếp và tẻ được pha chế theo công thức. Ngày trước, tò he còn được gọi là bánh chim cò, bởi sản phẩm nặn của người dân làng tò he Xuân La lúc ấy chỉ rặt có chim và cò được mang đến các hội làng. Rồi sau đó khi mỗi chiếc bánh được gắn thêm một chiếc còi và khi thổi phát ra tiếng “tò te tí te”, thì cái tên “tò he” – theo một cách đọc chệch đi – hình thành.Từ những chú chim và cò, nay tò he đã được biến thể thành nhiều hình thù khác nhau.Tôi ghé thăm nhà nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Thành – một trong hai nghệ nhân ưu tú được công nhận của làng. Dù khá trẻ nhưng anh Thành đã là chủ nhiệm của câu lạc bộ tò he do chính anh khởi xướng tại làng. Ngồi trò chuyện, tôi được biết anh Thành đã tiếp xúc với tò he từ năm lên 3 tuổi. Trong những năm tháng sinh viên trên Hà Nội, anh còn tận dụng thời gian trống đi bán tò he tại các công viên, cổng trường, như một cách duy trì nghề truyền thống của làng. Anh Thành kể, muốn trở thành một người nặn tò he giỏi, ngoài khéo léo là một chuyện, quan trọng phải có trí tưởng tượng.Nghệ nhân Nguyễn Văn Thành bên những con tò he.Rồi anh xếp dụng cụ ra biểu diễn cho tôi xem một vài đường cơ bản. Bột để nặn tò he bây giờ khác nhiều so với trước đây, khi màu được dùng là phẩm màu, thay vì màu tự nhiên từ nghệ (màu vàng), tro củi (màu đen), rau dền (màu đỏ). Bàn tay người nghệ nhân nắm từng nhúm bột, vừa vê vừa kéo trong vô cùng điêu luyện. Chỉ một thoáng sau, anh đã hoàn thành tác phẩm là một chú lợn ôm bó hoa hồng, rồi một loáng sau nữa là một chú gà trống đang khoe sắc.Bột nặn sau khi đã được làm mềm.Chỉnh sửa hình bằng một chiếc lược nhỏ.Chú heo nhỏ ôm bó hoa vô cùng đáng yêu.Tuy vẫn đang thành hình nhưng ta vẫn có thể thấy được hình ảnh của một chú gà trống kiêu hãnh.Anh kể, một người chưa biết gì sẽ phải học khoảng 3 tháng để có thể tạo ra những sản phẩm đầu tiên, nhưng với những người có năng khiếu và óc tưởng tượng tốt, thì chỉ cần 1 tuần là có thể “xuất chuồng” những sản phẩm có thể mang đi bán. Một con tò he hiện tại được bán với giá từ 15.000 VND – 20.000 VND. Nếu có dịp lên phố đi bộ Hồ Gươm vào dịp cuối tuần, bạn sẽ thấy một gian hàng tò he. Những nghệ nhân đó cũng là người ở làng Xuân La.
Bật mí lý do các mỹ nhân Việt rất chăm trùng tu vòng 1 6-05-2019, 20:50