A. Khi gặp người đuối nước:
Đuối nước khi đi du lịch biển không phải là không bao giờ gặp, nếu lỡ may trong đoàn có người gặp nạn, bạn sẽ xử lý thế nào? Dưới đây là vài hướng dẫn mà bạn nên lưu ý để không phải bối rối khi có sự cố bất ngờ xảy ra. Hãy ghi nhớ một điều trước khi cứu người đó là: “Hãy đảm bảo an toàn cho bản thân trước khi cứu bất kỳ ai.
Nên:
- Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi mặt nước bằng mọi cách (sử dụng tay thuận, gậy dài, phao...) và gọi ngay cấp cứu.
- Cho nạn nhân nằm ở nơi thoáng khí và giữ ấm. Nếu nạn nhân bất tỉnh, hãy kiểm tra xem còn thở không bằng cách quan sát lồng ngực có di động hay không.
- Nếu nạn nhân có dấu hiệu ngưng thở thì nhanh chóng thực hiện hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực theo công thức 30:2 (30 lần ép tim thì hà hơi thổi ngạt 2 lần). Kiên trì thực hiện cho đến khi mạch đập và nạn nhân thở trở lại hoặc cho đến khi có nhân viên y tế đến.
- Sau khi nạn nhân tỉnh lại sẽ nôn ra nhiều nước nên cần đặt họ ở tư thế nằm nghiêng, kê cao gối hai bên vai, nới rộng quần áo để tránh bị ngạt thở.
- Sau sơ cứu ban đầu, người bị đuối nước đã tỉnh lại thì lau khô người, thay quần áo và ủ ấm, sau đó nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ xử lý các bước tiếp theo.
Không nên
- Không cố gắng với tay nếu bạn đang đứng, vì điều này có thể khiến bạn bị kéo ngã xuống nước. Tuyệt đối không nhảy theo cứu nạn nhân nếu bản thân không biết bơi và có thiết bị cứu hộ.
- Không dốc ngược nạn nhân đuối nước, vác lên vai rồi chạy.
- Không hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực khi nạn nhân còn tự thở được.
B. Khi bản thân bị đuối nước
Dù có là một tay bơi cừ khôi đi chăng nữa thì đại dương luôn là nơi tiềm ẩn những nguy hiểm không bao giờ ngờ tới được, chẳng hạn như bị hụt chân bởi một dòng chảy xa bờ hay bất thình lình bị sông suối chảy xiết cuốn trôi.
1. Gặp phải dòng chảy xa bờ ở biển
- Hết sức bình tĩnh. Không nên cố gắng giãy giụa, vì càng hoảng loạn bao nhiêu, bạn sẽ càng nhanh chìm bấy nhiêu. Nên nhớ bạn chỉ có 60s để tự cứu mình vì khi nước tràn vào đường thở, cơ thể sẽ khiến bạn tự động ngừng hô hấp và não sẽ bị tổn thương nếu thiếu oxy chỉ vài phút.
- Thả lỏng, nhắm mắt, ngậm miệng, nín thở (có thể dùng hai ngón tay để giữ chặt mũi lại), tự biến mình thành phao cứu sinh để ngoi được lên mặt nước.
- Tiếp tục thả lỏng người để áp lực nước đẩy cơ thể bạn lên sát mặt nước trở về vị trí bấp bênh tương đối an toàn với phần đầu nhô lên sát mặt nước, chân vẫn chìm dưới nước sâu.
- Khoát nhẹ hai chân như mái chèo giúp đầu có thể nhô lên khỏi mặt nước và khiến toàn cơ thể trôi đi dễ dàng hơn.
- Khi đã làm chủ được tình thế, cố gắng chuyển động lên xuống với nhịp hít bằng cách há to miệng khi nhô lên, và nhịp thở bằng mũi khi đi xuống dưới nước.
- Bơi ngang hoặc bơi nghiêng: bơi trực tiếp vào bờ biển sẽ khiến bạn phải đối diện với hàng loạt đợt sóng dập tới tấp vào người và sẽ càng lúc càng trôi dạt ra xa. Do vậy, tốt nhất là bạn nên chọn cách bơi song song với bờ biển, theo chiều trôi của dòng nước bằng cách bơi sải hoặc bơi ếch.
- Kêu cứu ngay khi có thể: 2 thời điểm thích hợp nhất để kêu cứu là khi bạn vừa nhận ra mình đạp phải một dòng chảy xa bờ hoặc khi bạn đã kiểm soát được phần nào tình hình vì kêu cứu sẽ khiến bạn mất hơi mất sức hoặc phải ngừng bơi, cực kì nguy hiểm khi bạn đang trong tình trạng bị dòng nước nhấn chìm.
2. Bị dòng sông cuốn đi
- Giữ bình tĩnh: tuyệt đối đừng hoảng sợ. Bạn sẽ nhanh chóng bị mất sức, hoảng loạn, không thể tỉnh táo để có thể tự cứu mình thoát khỏi tử thần.
- Cố gắng hít thở và tránh uống nước nhiều nhất có thể. Trong mọi trường hợp, phải cố gắng hít thở và giữ bình tĩnh!
- Bơi chéo: nhắm bơi theo đường chéo về phía bờ. Bơi thẳng góc trực diện vào bờ sẽ buộc bạn phải đối diện với nhiều dòng chảy xiết và khiến bạn nhanh chóng cạn sạch sức lực.
- Đừng cố gắng bơi ngược dòng. Bạn sẽ tiêu tốn quá nhiều năng lượng nhưng vẫn không đủ đạt kết quả. Chỉ cố gắng bơi ngược dòng nếu có nguy hiểm ngay phía hạ lưu, chẳng hạn như đá sắc nhọn hoặc thác nước.
- Nếu bạn đang trôi theo dòng hạ lưu một cách nhanh chóng, giữ chân bạn theo hướng nước đang chảy. Điều này có thể khiến bạn không bị đập đầu trên đá hoặc vật cản khác.
- Tìm cách bấu víu vào bất kì thứ gì không bị dòng nước cuốn đi và kêu cứu: ví dụ như cành cây, khúc gỗ.
C. Phòng tránh đuối nước
Có những quy tắc bất di bất dịch mà để đảm bảo an toàn cho mình khi xuống nước bạn cần phải nhớ:
- Khởi động làm nóng cơ thể bằng các động tác thể dục toàn thân, tránh ăn quá no hay uống rượu say trước khi xuống biển để tránh bị chuột rút khi đang tắm.
- Nếu bị chuột rút, bạn nên bình tĩnh kéo ngược hướng nhóm cơ đang bị rút, làm cơ giãn ra để giảm đau, rồi tìm cách gọi mọi người giúp để đưa bạn vào bờ. Cần nghỉ ngơi ít nhất một giờ mới xuống nước lại.
- Không nên tắm biển một mình, nên đi bơi cùng ít nhất 1 − 2 người khác để có thể hỗ trợ nhau khi có sự cố.
- Nếu thấy các triệu chứng như: Cơ thể ngứa ngáy, cảm thấy lạnh; thấy mệt mỏi khác thường, nhức trán hoặc sau gáy; bị chuột rút, rối loạn thị giác; có dấu hiệu bị chướng bụng, đau khuỷu tay và đầu gối, bạn cần lên bờ ngay.
- Tuân thủ các biển báo cứu hộ và hướng dẫn mặc phao an toàn.
An toàn khi ở bể bơi:
- Quan sát mực nước ở hồ bơi: Đã bao giờ bạn để ý đến những chữ số được sơn đậm ở các cạnh của bể bơi? Chúng được gọi là những số đánh dấu độ sâu – những con số này cho biết độ sâu tại điểm đó. Nếu bạn không biết bơi, tuyệt đối không nhảy xuống hồ nước cao quá cổ. Ngoài ra, chỉ nhảy từ ván nhún nếu có, thay vì nhảy từ các cạnh bên của bể bơi vì nước có thể cạn hơn bạn nghĩ, và nếu va phải đáy thì cổ sẽ bị chấn thương rất nặng.
- Không được chạy giỡn, đùa nghịch trên sàn hoặc mép hồ bơi, đặc biệt là trẻ em. Bạn có thể bị ngã xuống bể bất ngờ.
- Lưu ý: Nhiều đồ chơi giúp trẻ nổi trên mặt nước với nhiều hình dạng và kích thước khác nhau (như: hình ống, nệm không khí, quả bóng). Mặc dù các vật này rất thú vị và sẽ rất có ích cho trẻ khi học bơi nhưng chúng không thể là “phao cứu mạng”. Chúng chỉ là đồ chơi và chúng có thể bị xịt hơi hoặc trôi mất.
An toàn khi ở biển:
- Tránh những nơi có dòng chảy xa bờ, thường biểu hiện bằng các đặc điểm sau:
+ Có màu sậm hơn vì nơi đó nước sâu hơn.
+ Có mặt nước lặng hơn, thường có sóng nhỏ hơn.
+ Đôi khi có thể thấy các mảnh vỡ/bọt nước nổi trên mặt dòng chảy xa bờ và trôi ra biển.
- Bạn nên tắm biển ở những bờ biển có lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp và bơi ở vùng an toàn (vùng nằm không xa hơn những chỗ cắm cờ đen). Bạn cần quan sát các chỉ báo an toàn và nếu cần thì nên trao đổi với nhân viên cứu hộ để biết đặc điểm bờ biển mà bạn sắp xuống tắm.
- Nhiều người có thói quen trước khi tắm thường nằm phơi nắng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, không nên phơi nắng quá lâu trước khi xuống nước. Bởi khi ấy, cơ thể có thể vã mồ hôi, nếu xuống nước sẽ dễ bị cảm lạnh.
Nguồn : tripnow.vn