Xử lý và hạn chế rác thải nhựa không phải là một chủ đề mới, nhưng kể cả bạn nghe nó đến nhàm chán thì những loại rác độc hại cho môi trường này mỗi ngày vẫn tiếp tục tăng lên chứ không hề giảm đi. Mặc dù nhiều nước, khu vực đã có những động thái nghiêm cấm khắt khe về việc sử dụng sản phẩm nhựa;
nhưng riêng đối với Việt Nam, nơi được xem là "thiên đường rác nhựa", chúng ta vẫn phải sống cùng với những bãi rác thế này.
Những hình ảnh về một bãi rác cách phố cổ Hội An, Việt Nam không xa, hiện đang thu hút nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng. Theo thông tin chia sẻ trên bài viết, hình ảnh được các thành viên của Dự án Hoi An Eco-city chụp lại và do tài khoản cá nhân của Megumi Kawada đăng tải.
Dự án Hoi An Eco-city là do một nhóm các bà mẹ người Nhật có cùng lòng yêu thích với Hội An thành lập, họ đã đứng lên để thay đổi môi trường và biến nơi này trở nên xinh đẹp hơn. Nhóm kết nối người dân địa phương và chính phủ để cùng nhau thực hiện những chiếc dịch dọn sạch rác cũng như những kế hoạch lâu dài để bảo vệ bờ biển.
Mong muốn của họ chính là khôi phục và xây dựng hệ sinh thái bền vững là vùng đất xinh đẹp như Hội An.
Tuy nhiên, bảo vệ và làm sạch môi trường là sứ mệnh chưa bao giờ dễ dàng. Đặc biệt là ở một đất nước vẫn còn hờ hững với những lời kêu gọi hạn chế sử dụng rác thải nhựa như Việt Nam. Hội An nói riêng và các khu du lịch nói chung đều đang đối mặt với thực trạng rác thải đang xâm chiếm và hủy hoại hệ sinh thái. Nơi nào càng đông khách du lịch ghé thăm, nơi đó càng nhiều rác thải.
Có thể bạn sẽ phản bác và khẳng định rằng những nơi mình từng đi qua đều rất sạch đẹp và thơm tho. Nhưng cái bạn nhìn thấy chỉ là bề nổi, nơi giấu nhẹm đống rác mà hàng trăm ngàn người từng xả ra chính là những bãi rác khổng lồ như trong ảnh. Những nơi đó hôi thối, ẩm mốc và ngập tràn núi nilon, chai nhựa, hộp nhựa.
Túi nhựa sẽ cần 1 đến 100 năm để phân hủy hoàn toàn, chai nhựa cần 450 - 1000 năm và nhựa HDPE (sử dụng sản xuất dầu gội đầu, mỹ phẩm...) thì cần đến 500 - 1000 năm mới có thể hoàn toàn biến mất. Tương tự như đó, chẳng có rác thải nhựa nào có thể phân hủy sau vài ngày. Bạn chỉ sử dụng chúng vài phút, vài giờ,vài ngày nhưng chúng lại nằm trên bề mặt Trái Đất đến trăm ngàn năm.
Bạn có thể không thường nhìn thấy những bãi rác khổng lồ, nhưng chắc chắn rác thải mà bạn bỏ đi rồi sẽ trôi dạt đến những nơi này. Việt Nam không có quy trình xử lý rác hiện đại như Mỹ hay Singapore nên những bãi rác khổng lồ kiểu này vốn không thể giúp chúng ta xử lý triệt để.
Bãi rác mà Hoi An Eco-city ghi lại nằm cách Hội An 15 đến 20 phút đi xe máy. Nơi này hiện nay đã bị đóng cửa.
Trong bài đăng, Megumi Kawada cũng chia sẻ rất chi tiết về tình trạng kinh khủng của nơi này:
Với hơn 100 tấn rác thải ra mỗi ngày, hiện tại lò đốt (với công nghệ lạc hậu) đã quá tải và thậm chí phải trả tiền để mang một phần rác đem đi xử lý ở nơi khác. Phần lớn rác thải ở đây là túi ni lông và rác nhựa. Khu làm phân compost cũng ngập tràn rác thải nhựa. Nếu chúng ta không hành động để giảm bớt lượng rác thải, trong một TƯƠNG LAI RẤT GẦN, rác của thành phố này sẽ sớm ra sông, xuống biển và qua chuỗi thức ăn thâm nhập vào cơ thể người.
Hiện trạng môi trường bạn đã hiểu rõ, nhưng cũng có rất ít người đồng ý mang những vật dụng có thể sử dụng nhiều lần như ly để tránh tiêu thụ ly nhựa trong các cửa hàng cà phê, túi đi chợ dùng nhiều lần để tránh mang về những bọc nilon. Hãy thường xuyên theo dõi những cộng đồng tái chế để có thể tận dụng tối đa vật dụng trong gia đình.
Nếu chúng ta cùng nhau can đảm và nghĩ cho môi trường, tinh thần đó chắc chắc có thể lan tỏa đến nhiều người. Bạn có thể gặp nhiều khó khăn và bất tiện, nhưng chỉ cần đồng ý thay đổi một chút, bạn cũng sẽ tạo ra được thật nhiều kỳ tích lớn lao.