Nomadic Matt tên thật là Matthew Kepnes - một blogger người Mỹ nổi tiếng và là tác giả của quyển sách bán chạy Du Lịch Vòng Quanh Thế Giới Với 50 USD Mỗi Ngày cùng nhiều bài viết trên các báo như New York Times, CNN, National Geographic, Huffington Post, The Wall Street Journal, và BBC.
Là một trong những cái tên nổi tiếng trong giới ''du lịch bụi'' Âu Mỹ, Matt từng viết và chia sẻ nhiều điều thú vị sau những chuyến du lịch trải nghiệm khắp nơi trên thế giới. Thế nhưng, vào năm 2007 khi lần đầu đặt chân đến Việt Nam, Matt đã thề rằng sẽ không bao giờ trở lại đất nước này nữa.
Gặp phải một số ý kiến phản đối và nhiều email chất vấn về phát ngôn này, Matt đã chia sẻ lý do một cách khá thuyết phục về thực trạng du lịch ở Việt Nam cho thấy quyết định của anh không hẳn là không có lý.
Tình trạng chèo kéo và ''làm giá'' với du khách
Matt nếm ''quả đắng'' lần đầu tiên ở Hội An, trong một cửa hàng quần áo lưu niệm khi anh đang phân vân chọn mua một cái áo phông vừa người.
Anh ta kể lại:
3 người phụ nữ cố giữ tôi trong cửa hàng của họ cho đến khi tôi mua món gì đó. Thậm chí họ nắm áo và kéo tôi lại.
Ở một hàng ăn bên lề đường, Matt tiếp tục mất tiền oan khi bà chủ từ chối đưa lại tiền thừa cho ổ bánh mì thịt trong khi đã tính tiền gấp ba lần giá thông thường bán cho người Việt.
Trong một tour du lịch tham quan Vịnh Hạ Long, Matt ngỡ ngàng khi trên thuyền không có nước uống cho du khách, và khi lưu trú ở khách sạn anh phải chia sẻ phòng, thậm chí là giường ngủ với một người khác trong khi cả hai đều đã trả tiền để thuê phòng riêng.
Những ngày đầu ở Việt Nam, dù gặp nhiều sự cố đáng tiếc tuy nhiên Matthew vẫn nghĩ rằng tất cả là do bản thân anh thiếu may mắn, cho đến khi bạn anh than phiền về điều tương tự.
Matt viết trên blog cá nhân:
Tôi thấy những du khách khác cũng gặp những vấn đề như vậy. Bạn tôi đã bị ''chặt đẹp'' khi mua một quả chuối, người bán đã chạy đi và không trả lại đồng nào. Trong siêu thị, người ta đưa cho chúng tôi kẹo chocolate thay vì tiền thừa.
Lúc này tôi biết đây là tình trạng chung và những gì xảy ra với tôi không phải là ngoại lệ.
Bị đối xử một cách tệ bạc
Một trong những vụ việc khiến Matthew cảm thấy bị xúc phạm diễn ra trong lần anh xuôi dòng Mekong về đồng bằng sông Cửu Long. Chuyến đi khá suôn sẻ cho đến khi Matt ghé mua nước uống tại một trạm dừng chân nọ.
Lần ấy tôi khát nước sau chuyến đi dài và muốn thử một thức uống phổ biến của người Việt, nước chanh đá pha với đường cát. Người phụ nữ ở hàng nước đùa giỡn với bạn của cô ta rồi sau đó nhìn vào tôi cười cợt, rõ ràng cô ta không hề cho đủ các thành phần nguyên liệu vào trong thức uống của tôi.
Tôi chả phải một thằng ngốc và tôi hiểu rằng mình đang bị chặt chém một cách trắng trợn. Người phụ nữ đó đã giở trò lừa đảo ngay trước mắt du khách.
Lúc ấy Matt đã nhanh trí hỏi ý kiến một khách du lịch người Mỹ gốc Việt chung đoàn. Anh ta xác nhận với Matt rằng cô chủ hàng nước nọ đã cố ý bán đắt và cắt giảm phần thức uống của du khách nước ngoài.
Tôi hỏi anh bạn gốc Việt: ''Ly nước này thực sự đáng giá bao nhiêu?'' rồi tôi đưa đúng số tiền mà người phụ nữ kia đáng được nhận. Đồng thời không quên nói thẳng rằng cô ta là một kẻ lừa đảo trước khi quay lưng bỏ đi.
Trong trường hợp này tiền không phải là vấn đề, tôi chỉ cảm thấy không được tôn trọng.
Matt chia sẻ thêm rằng sau sự cố đó, anh cũng không quên báo lại với bạn bè mình xem họ có trải nghiệm tương tự hay không. Và câu trả lời vẫn là có, lần này, anh chàng blogger người Mỹ không quá ngạc nhiên.
Tôi từng hy vọng rằng có một ngoại lệ ở đây, rằng số tôi khá ''đen'' vào ngày hôm đó hoặc đơn giản là tôi vô tình gặp mọi người trong lúc họ đang khó ở. Tuy nhiên sau khi biết nhiều khách du lịch bụi khác cũng có trải nghiệm đáng buồn như vậy, tôi có thể lý giải được vì sao 95% du khách Âu Mỹ sẽ không quay lại Việt Nam. Đa số họ không cảm thấy được chào đón ở đất nước này.
Sự khác biệt trong phân khúc dịch vụ
Matthew cho biết anh từng gặp nhiều du khách xác nhận rằng Việt Nam là một đất nước đáng để ghé thăm, và người Việt Nam cũng rất thân thiện. Điều này trái ngược với những gì bản thân anh trải nghiệm, và Matt đã khảo sát để lý giải được sự khác biệt ở đây.
Đa phần, những trải nghiệm tốt chỉ đi kèm với các tour du lịch đắt tiền. Trong khi đó, khách du lịch bụi thường nhận được những kết quả rất ''phũ phàng''.
Tôi không quá quan tâm dù có bị chặt chém, tôi sẵn lòng trả thêm tiền và tôi biết đối với họ một USD cũng rất có giá trị. Thế nhưng tôi cần được đối xử tôn trọng một cách cơ bản nhất, là ''Tây ba lô'' không có nghĩa là tôi không biết tự trọng.
Tôi không ép người Việt phải đối xử với tôi một cách trịnh trọng, thực tế là ở đây họ còn không coi tôi là người, chỉ là một mục tiêu để họ trục lợi. Người xấu có ở khắp nơi nhưng đặc biệt ở Việt Nam tình hình có vẻ tệ hơn hết. Nếu không bao giờ được đặt chân tới đất nước này nữa thì tôi cũng không cảm thấy buồn lắm đâu.
Matthew Kepnes nói rõ quan điểm trên blog cá nhân.
Vấn đề về giáo dục và tư tưởng
Matt kể lại, một lần nọ khi lang thang ở Nha Trang, anh vô tình gặp một người nước ngoài đã làm giáo viên tiếng Anh ở Việt Nam trong nhiều năm. Người giáo viên nọ bảo rằng, ở trường công lập, học sinh được dạy rằng tất cả những khó khăn mà Việt Nam gặp phải là do các nước phương Tây như Pháp và Mỹ gây ra.
Họ nghĩ rằng người phương Tây ''nợ'' họ. Họ muốn khách du lịch Âu Mỹ phải bỏ ra nhiều tiền hơn. Nếu các du khách ''Tây ba lô'' tỏ vẻ tính toán thiệt hơn khi trả tiền thì chắc chắn sẽ nhận lại sự khinh miệt.
Ngược lại, những người tiêu tiền thoải mái hơn thường được đối xử tốt. Tôi không khẳng định hoàn toàn điều này nhưng đó là những gì tôi đã tai nghe mắt thấy.
Tuy nhiên, tôi không thích Việt Nam không đồng nghĩa với việc bạn tẩy chay đất nước hình chữ S. Khi chia sẻ những điều này tôi muốn các bạn hãy lắng nghe và đúc kết kinh nghiệm từ những người như tôi và có sự chuẩn bị phù hợp cho chuyến đi của chính các bạn.
Câu chuyện của Matthew Kepnes mà Lost Bird trích dẫn lại ở đây không phải là để cổ xúy cho việc tẩy chay du lịch Việt Nam. Dựa trên quan điểm mà Matt đã chia sẻ, anh ta cũng không hề có ý ngăn cản du khách phương Tây đến với đất nước hình chữ S.
Có chăng là câu chuyện này khiến người chúng ta phải nhìn lại và chấp nhận một điều là những vấn nạn được Matt nhắc đến trong bài là có thật, chúng vẫn đang diễn ra và cản trở sự phát triển của du lịch Việt Nam. Bản thân người Việt ai cũng ít nhất một lần gặp phải những chiêu trò chặt chém, lừa đảo và phân biệt đối xử như vậy trên chính đất nước của mình.
Thế nên, việc góp phần tuyên truyền chống lại tệ nạn này là điều rất đáng làm và cần phải làm càng nhanh càng tốt.