Mẹo bỏ túi cho người ‘săn’ lúa chín Tây Bắc

Những thửa ruộng bậc thang đang vào vụ lúa chín trên khắp rẻo cao Tây Bắc, một chuyến đi “săn” lúa là lựa chọn của nhiều người yêu mùa thu.

Mẹo bỏ túi cho người ‘săn’ lúa chín Tây Bắc

Dưới đây là 4 địa điểm nổi tiếng nhất để bạn chiêm ngưỡng mùa lúa chín Tây Bắc với những thửa ruộng bậc thang hùng vĩ và những tư vấn dành cho bạn.

Sa Pa


Mẹo bỏ túi cho người ‘săn’ lúa chín Tây Bắc

Sa Pa nằm cách Hà Nội hơn 300 km, là một trong số ít điểm du lịch thu hút khách mọi thời điểm trong năm. Thời điểm lúa chín, khắp các vùng đồi núi, thung lũng dưới chân dãy Hoàng Liên Sơn nhuộm vàng màu lúa chín xen lẫn màu xanh của núi rừng.

Điểm tham quan

Ruộng bậc thang trải khắp Sa Pa nhưng các địa điểm đẹp để tham quan và chụp ảnh tập trung chủ yếu ở thung lũng Mường Hoa. Các bản Tả Van, Tả Phìn, Cát Cát, Sín Chải là những cái tên tiêu biểu cho chuyến tham quan của bạn.

Di chuyển

Từ Hà Nội bạn có thể đặt vé xe khách chạy tuyến Sa Pa, Lào Cai với thời gian khoảng 6-8 tiếng. Hiện có rất nhiều hãng xe khai thác tuyến đường này nhưng bạn nên hỏi kỹ xem nhà xe sẽ đi thẳng lên thị trấn Sa Pa hay chỉ đi đến ga Lào Cai rồi đưa bạn lên Sa Pa bằng xe nhỏ.

Nếu muốn tự đi bằng xe máy, bạn có thể đi theo hướng Lào Cai qua Vĩnh Phúc – Việt Trì – Phong Châu – Đoan Hùng – Yên Bái, tổng độ dài 360 km.

Lựa chọn thứ 2 là đi Sa Pa theo hướng Lai Châu, dọc quốc lộ 32 với tổng độ dài quãng đường hơn 420 km. Nếu đi theo cung đường này bạn sẽ vượt qua đèo Khau Phạ và đèo Ô Quy Hồ, 2 trong số tứ đại đèo huyền thoại của Tây Bắc.

Khách sạn, nhà nghỉ

Có rất nhiều lựa chọn về khách sạn, nhà nghỉ ở Sa Pa. Càng về trung tâm thị trấn càng có nhiều lựa chọn cho bạn với mức giá từ 300.000 đồng mỗi đêm. Nếu muốn tiết kiệm tiền và trải nghiệm không gian văn hoá, bạn hãy tìm đến các bản có ruộng bậc thang, thuê homestay hoặc xin phép ở chung nhà với người dân trong bản. Mức giá homestay ở Sa Pa khoảng từ 100.000 đồng mỗi đêm trở lên, tuỳ địa điểm.

Ẩm thực

Sa Pa có nhiều món ăn ngon. Điển hình là món cá hồi, cá tầm, rau su su, cải mèo… Cá hồi, cá tầm do người dân nuôi trong các bể tràn trên núi, nếu đi đến bản Tả Van bạn sẽ gặp một vài hộ nuôi cá.

Bên cạnh đó là những quán cóc tập trung ở quanh khu vực nhà thờ đá, bán cả ngày, phục vụ các món nướng, cơm lam và đồ ăn vặt.

Lưu ý

Thời tiết ở Sa Pa thời điểm này đã chuyển lạnh về đêm và sáng sớm. Để giữ ấm, bạn hãy mang thêm một chiếc áo khoác mỏng khi đến đây, ưu tiên loại áo gió.

Bên cạnh đó cần mang thêm khẩu trang vì trục đường chính ở Sa Pa rất bụi, nhiều ôtô. Khi đến những vùng có ruộng bậc thang, bạn nên chuẩn bị một đôi ủng hoặc giày tối màu vì nguy cơ bị bẩn là rất cao.

Nhớ mang theo giấy phép lái xe để thuê xe máy, tiện cho việc di chuyển của bạn tại đây.

Y Tý


Y Tý là xã vùng cao thuộc huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Khi Tây Bắc vào thu, Y Tý khoác lên mình bộ áo màu vàng của những thửa ruộng bậc thang, mang theo mùi thơm của lúa chín, cỏ cây.

Điểm tham quan

Theo cung đường đi, bạn có thể dừng chân ở Y Tý tại những địa điểm như: ngã ba suối Lũng Pô gặp sông Hồng, cánh đồng A Lù, cánh đồng Dền Thàng, rừng thảo quả Dền Sáng… Đặc biệt là dãy núi Nhĩ Cù San, điểm “săn mây” số một ở Y Tý mà giới phượt thường truyền tai nhau.

Chạy theo những con đường xung quanh Y Tý, bạn sẽ gặp ruộng bậc thang ngay hai bên đường cùng những ngôi nhà trình tường đặc trưng của người Hà Nhì. Nếu muốn tìm hiểu đời sống của người Hà Nhì trong những ngôi nhà trình tường nhiều hơn nữa, hãy ghé vào các bản Lao Chải 1, Lao Chải 2… chỉ cách trung tâm xã khoảng 3 – 5 km.

Di chuyển

Quãng đường từ Hà Nội đế Y Tý dài khoảng 400 km. Có 2 hình thức để di chuyển là bằng xe khách hoặc tự lái. Tuy nhiên dù chọn cách nào bạn cũng phải đi xe máy từ trung tâm huyện Bát Xát lên Y Tý vì không có xe khách chạy tuyến này.

Nhiều phượt thủ lựa chọn phượt Y Tý bằng xe máy từ Hà Nội. Tuy nhiên, quãng đường này khá xa, nếu bạn lần đầu tiên phượt Y Tý thì nên đi bằng xe khách lên Lào Cai rồi thuê xe máy đi Y Tý, theo cung đường: Lào Cai – Bát Xát – Trình Tường – Lũng Pô – A Mú Sung – A Lù – Y Tý.

Khách sạn, nhà nghỉ

Dịch vụ nhà nghỉ, khách sạn ở Y Tý chưa phát triển, hiện mới chỉ có loại hình homestay phát triển tại đây. Ở các homestay cũng khá thoải mái với điều kiện điện, nước, wifi, chăn đệm đầy đủ. Mức giá cũng rất rẻ chỉ từ 70.000 đồng một người mỗi đêm. Vào mùa cao điểm, bạn còn có thể xin ở nhờ tại đồn biên phòng Y Tý khi các homestay đã quá tải.

Ẩm thực

Nếu vào mùa lễ hội hoặc ngày có chợ phiên, các món ăn đặc trưng của Y Tý sẽ đa dạng hơn. Ngày thường, các tiệm ăn bình dân chỉ phục vụ các món phổ biến như mì tôm vào bữa sáng, cơm vào bữa trưa. Những món ăn đặc sản ở đây cũng giống như các điểm du lịch vùng cao khác với lợn cắp nách, gà chạy bộ, rau rừng…

Lưu ý

Một đôi ủng hoặc giày chuyên đi phượt sẽ phát huy tác dụng tại đây, nhất là khi người Hà Nhì vẫn để cống xả chất thải gia súc lộ thiên trên các con đường trong bản.

Đồ ăn ở Y Tý khá ít loại để lựa chọn. Thêm nữa Y Tý hiện vẫn là xã nghèo vùng cao nên không có nhà hàng thường xuyên phục vụ các món đặc sản. Tốt nhất bạn nên mang theo các loại đồ ăn yêu thích của mình khi đến Y Tý để tránh bị đói.

Đường đi từ Bát Xát lên Y Tý rất thuận lợi, trải nhựa hoàn toàn lại ít ôtô nên bạn chỉ cần giữ tốc độ vừa đủ, đảm bảo an toàn cho bản thân và bạn đồng hành.

Hoàng Su Phì


Hoàng Su Phì là huyện biên giới vùng cao của tỉnh Hà Giang với những thửa ruộng bậc thang vào loại đẹp nhất Việt Nam. Ruộng bậc thang ở đây được công nhận Di tích Quốc gia năm 2012, nằm trên địa bàn 6 xã là: Bản Luốc, Sán Sả Hồ, Bản Phùng, Hồ Thầu, Nậm Ty và Thông Nguyên. Toàn huyện Hoàng Su Phì có khoảng 3.000 ha ruộng bậc thang trải khắp các đồi núi.

Điểm tham quan

Dù có hơn 3.000 ha ruộng bậc thang nhưng nơi đẹp nhất để tham quan nằm trên địa bàn các xã Sán Sả Hồ, Bản Phùng, Hồ Thầu.

Di chuyển

Nếu chọn xe khách để di chuyển, bạn bắt xe tuyến Hà Nội – Hà Giang, có rất nhiều ở bến Mỹ Đình với mức giá từ 260.000 đến 300.000 đồng mỗi người. Sau khi đến ngã ba Bắc Quang, bạn chuyển xe để đi Vinh Quang – Hoàng Su Phì, quãng đường này mất khoảng 58 km.

Nếu bạn chọn đi bằng xe máy, cung đường là: Hà Nội – TP Hà Giang – Bắc Quang – Tân Quang – Hoàng Su Phì, độ dài khoảng 400 km.

Khách sạn, nhà nghỉ

Du lịch ở Hoàng Su Phì hiện vẫn chưa phát triển. Ở đây chỉ có các nhà nghỉ từ bình dân ở thị trấn Vinh Quang, trung tâm huyện Hoàng Su Phì với mức giá từ 250.000 đến 550.000 đồng.

Ẩm thực

Ẩm thực ở Hoàng Su Phì cũng khá đa dạng. Thịt chuột là món ăn không thể thiếu trong cuộc sống của người dân La Chí, Hà Giang với các cách chế biến như nướng, xào, treo gác bếp… Ngoài ra ở đây còn có món cá rán, được nuôi trong các thửa ruộng bậc thang.

Lưu ý

Thời tiết ở Hoàng Su Phì cũng đã chuyển lạnh vào thời điểm đêm về rạng sáng nên bạn hãy mang theo áo khoác để giữ ấm.

Đường đi từ thành phố Hà Giang lên huyện Hoàng Su Phì và các xã xung quanh rất hẹp, quanh co và nhiều xe tải. Bạn cần hết sức cẩn thận khi điều khiển xe tại đây để bảo đảm an toàn cho bản thân.

Mù Cang Chải


Huyện Mù Cang Chải, Yên Bái có 2.200 ha diện tích ruộng bậc thang. Trong đó, tổng diện tích ruộng bậc thang của ba xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Dế Xu Phình là 500 ha. Đây chính là di sản của người Mông được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cấp bằng vào ngày 18/10/2007, danh thắng đặc biệt và độc đáo hàng đầu của Việt Nam. Trong vòng bán kính 20 km, các thửa ruộng nằm giữa hai bên lưng chừng núi, thấp dần xuống tận dòng sông phía dưới.

Điểm tham quan

Có rất nhiều điểm đến để bạn chiêm ngưỡng danh thắng ruộng bậc thang Mù Cang Chải, nổi bật nhất là thung lũng Tú Lệ, La Pán Tẩn, đèo Khau Phạ – một trong tứ đại đỉnh đèo của Tây Bắc.

Di chuyển

Quãng đường từ Hà Nội đi Mù Cang Chải dài khoảng 300 km. Bạn có thể di chuyển tự túc bằng phương tiện cá nhân hoặc lựa chọn xe khách chạy thẳng đến thị trấn Mù Cang Chải từ bến xe Mỹ Đình. Tuỳ vào khung giờ sẽ có xe ghế ngồi hoặc xe giường nằm hoạt động.

Khách sạn, nhà nghỉ

Mùa lúa chín Tây Bắc, khách du lịch đến Mù Cang Chải rất đông nên bạn hãy đặt phòng trước nếu có ý định qua đêm tại đây. Xã Tú Lệ và thị xã Nghĩa Lộ có nhiều phòng nghỉ từ bình dân đến cao cấp, mức giá từ 300.000 đồng mỗi đêm. Đây cũng là khu vực thuận lợi về đường sá và vị trí địa lý cho chuyến khám phá mùa vàng của bạn.

Nếu muốn giảm bớt chi phí, bạn hãy lựa chọn các homestay tại Mù Cang Chải với mức giá khoảng 100.000 đồng một người mỗi đêm. Bạn hãy gọi điện xác nhận trước để chắc chắn một chỗ ngủ cho mình trong mùa du lịch này.

Ẩm thực

Có nhiều món ăn ngon của người dân để thưởng thức tại Mù Cang Chải. Độc đáo nhất trong số đó là món thịt lợn đen nướng, gỏi cá hồi, cốm, gạo nếp Tú Lệ, nhộng ong rừng.

Lưu ý

Đường lên Mù Cang Chải khá thuận lợi nhưng vẫn cần bạn bình tĩnh xử lý các tình huống trên đường đèo dốc. Hãy tránh đến đây vào những ngày mưa vì nguy cơ sạt lở có thể xảy ra gây nguy hiểm cho bạn.

Theo Kiều Dương/Vnexpress