Hướng 1: Đi nhà thờ đá Phát Diệm
+ Nhà thờ đá Phát Diệm (điểm xuất phát): Cách thành phố Ninh Bình 28km về phía Nam, Nhà thờ toạ lạc trên một khu đất rộng, giữa trung tâm thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Được coi là ngôi thánh đường cổ kính hơn 100 năm tuổi được xây dựng trong suốt 30 năm. Công trình làm hoàn toàn bằng đá và gỗ lim được mệnh danh là "kinh đô Công giáo Việt Nam" có vẻ đẹp trường tồn theo năm tháng, các đường nét vẫn còn giữ được những nét nguyên vẹn chưa bị hao mòn.
+ Hồ Đồng Thái: Hồ Đồng Thái là một hồ nước ngọt ven núi nằm trên địa bàn xã Yên Đồng và Yên Thái, huyện Yên Mô tỉnh Ninh Bình. Đến với khu du lịch sinh thái Hồ Đồng Thái du khách sẽ được thả hồn theo con đò nhỏ trên dòng nước trong xanh và đắm mình trong sự huyền ảo của phong cảnh nơi đây cùng sự hùng vĩ của dãy núi Tam Điệp. Ngoài tận hưởng vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên, ở đây còn có nhiều loại hình du lịch thú vị như du thuyền, đua thuyền, cắm trại, săn bắn, du lịch văn hóa - lịch sử.
+ Động Thiên Hà: Nằm ở xã Sơn Hà, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Động nằm ẩn mình trong dải núi Tướng, một ngọn núi thuộc dãy núi Tràng An. Từ bản Mường Thổ Hà, xã Sơn Hà đi theo dòng kênh nhỏ có chiều dài chừng 1 km thuộc hệ thống sông Bến Đang. Sau đó tiếp tục bộ hành trên con đường đá dài 500m ven chân núi Tướng để tới cửa động. Động có chiều dài 700m bao gồm động khô dài 200m và động nước dài 500m. Những hình dáng do đá núi tạo ra được gọi theo nhiều tên gọi khác nhau.
+ Đan viện Châu Sơn: Đan viện Châu Sơn (hay còn gọi là Đan viện thánh mẫu Châu Sơn, Nhà thờ Châu Sơn) là một đan viện của dòng Xitô, tọa lạc tại xã Phú Sơn, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Đan viện này cách thành phố Ninh Bình khoảng 35 km, được xây dựng từ năm 1939, là một đan viện chuyên về chiêm niệm, được thiết kế theo phong cách kiến trúc Gothic với vật liệu chính là gạch đỏ không tô trát, nên có một vẻ đẹp khác biệt, ấm áp.
+ Vườn quốc gia Cúc Phương: Vườn quốc gia Cúc Phương nằm trên địa phận tỉnh Ninh Bình, cách Hà Nội 120km về phía tây nam, cách thành phố Ninh Bình 45 km về phía Tây Bắc. Đến với khu rừng nguyên sinh lâu đời này bạn sẽ được chiêm ngưỡng những cây cổ thụ ngàn năm, những loài thực vật tồn tại từ kỷ đệ tam, những loài chim quý tuyệt đẹp. Khu rừng như một bảo tàng thiên nhiên rộng lớn, nơi lưu giữ hệ động, thực vật rừng trên núi đá vôi phong phú nhất ở Việt Nam.
Hướng 2: Đi chùa Bái Đính
+ Chùa Bái Đính (điểm xuất phát): Khu tâm linh núi chùa Bái Đính nằm trong Quần thể Danh thắng Tràng An, cách thành phố Ninh Bình khoảng 15 km, nằm ở phía Tây khu di tích lịch sử cố đô Hoa Lư, là ngôi chùa lớn nhất Việt Nam, được biết đến với nhiều kỷ lục như tượng Phật bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á, chuông đồng lớn nhất Đông Nam Á, hành lang có nhiều tượng Phật nhất…là sự tiếp nối tâm linh từ ngàn năm trước chuyển tiếp đến ngàn năm sau.
+ Suối nước khoáng nóng Kênh Gà: Từ ngã ba Gián Khẩu (Gia Viễn), đi hơn 10 km, du khách sẽ đến với khu du lịch suối nước khoáng nóng Kênh Gà (thuộc thôn Kênh Gà, xã Gia Thịnh). Khu du lịch suối nước khoáng nóng Kênh Gà chảy ra từ núi Hang Cả, gắn liền với tích chuyện về thiền sư Minh Không đã qua đây lấy nước khoáng nóng làm gà dâng lên lễ Phật và nhiều giai thoại khác. Suối nước khoáng nóng Kênh Gà chảy ra từ núi Hang Cả. Đây là một trong những suối nước khoáng nóng lộ thiên của nước ta, đặc biệt quý giá bởi đây là nguồn khoáng nóng mặn mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho đất và người Ninh Bình.
+ Đền Thung Lá: Đây là một di tích lịch sử gắn liền với truyền thuyết về Vua Đinh, Xưa kia nơi đây có nhiều cây thuốc quý nên nghĩa quân của Vua Đinh được đưa đến đây chữa bệnh.Ngày nay Thung Lá được thờ Quốc Mẫu và Vương Bà bí ẩn đã có công lao giúp Vua Đinh dẹp loạn. Cách Cố Đô Hoa Lư 15 km và Thành phố Ninh Bình 20km đường bộ về phía Bắc, xã Gia Hưng nơi có Động Hoa Lư nổi tiếng lâu đời từng là nơi tập trận của Vua Đinh, Vua Lê một biểu tượng oai hùng của những người dân nơi đây. Nằm trong một thung lũng khá sâu, được bao quanh bởi năm ngọn núi lớn, trước mặt là hồ sen rộng tỏa hương thơm ngát.
+ Khu bảo tồn ngập nước Vân Long: Khu bảo tồn này nằm ở phía đông bắc huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, Vân Long là khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước lớn nhất vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ. Đầm Vân Long không phải là đầm tự nhiên, mà được hình thành do đắp tuyến đê ở tả ngạn sông Đáy chống lụt lội. Từ đó biến Vân Long thành một vùng đất ngập nước rộng mênh mông, có những đảo đá, hang động tuyệt đẹp.
Hướng 3: Khu Tam Cốc - Bích Động
+ Hang Múa (điểm xuất phát): Hang Múa nằm dưới chân núi Múa, trong quần thể khu du lịch sinh thái thuộc địa phận thôn Khê Đầu Hạ, xã Ninh Xuân, Hoa Lư. Nhìn từ phía dưới chân núi có thể thấy rõ được những bậc đá trắng dẫn lối đến đỉnh núi, nhìn từ xa những bậc thang nối nhau như Vạn Lý Tường Thành thu nhỏ. Hai bên bậc thang là những đường trang trí công phu trên đá, với những con rồng hoặc phượng được chạm khắc đúng với hình tượng rồng và phượng trong nghệ thuật thời Trần vô cùng oai phong, sắc nét và đẹp mắt.
+ Tam Cốc: Tam Cốc - Bích Động, còn được biết đến với những cái tên nổi tiếng như "vịnh Hạ Long trên cạn" hay "Nam thiên đệ nhị động" là một khu du lịch trọng điểm quốc gia Việt Nam. Đi thuyền là cách duy nhất để bạn tham quan Tam Cốc. Nếu đi bằng đường bộ, bạn chỉ có thể đi loanh quanh phía bên ngoài. Trong khi tham quan Tam Cốc, bạn nên trao đổi trước với người lái thuyền nếu bạn muốn dừng lại để chụp ảnh, hay trường hợp bạn muốn leo lên trên cao để tìm những góc ảnh đẹp và bao quát khung cảnh.
+ Đền Thái Vi: Đền Thái Vi là một ngôi đền nằm ở thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư tỉnh Ninh Bình. Đền thờ các vua nhà Trần có công lớn với Hoa Lư như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông và hoàng hậu Thuận Thiên. Ngôi đền Thái Vi đặc biệt ở cột đá, xà đá chạm trổ hoàn toàn thủ công. Di tích cổ nhất còn lưu giữ tại đây là: nhang án, cột đá, hòm sắt, bàn thờ, gác chuông (xây dựng 1689, quả chuông cũng được đúc từ năm đó).
+ Chùa Bích Động: Dọc theo dòng Ngô Giang từ bến Tam Cốc đi thêm 2km là đến Bích Động. Xuyên Thủy động là một động tối và ngập nước dài khoảng 350 m uốn lượn từ phía Đông sang phía Tây nằm dọc theo chiều dài Bích Động. Lối vào Xuyên thủy động ở phía sau núi, đối diện với đường vào Bích Động. Tại điểm kết thúc hành trình xuyên thủy động, bạn có thể leo núi để tới chùa Bích Động. Chùa Bích Động là một công trình kiến trúc cổ như những ngôi chùa khác. Nhưng điều độc đáo của chùa Bích Động là xây dựng theo kiểu chữ “Tam” (hán tự ), ba toà không liền nhau, tam cấp dọc theo sườn núi, dựa vào thế núi từ thấp lên cao.
+ Khu du lịch sinh thái Vườn Chim Thung Nham: Khu du lịch sinh thái vườn chim Thung Nham cách thành phố Ninh Bình khoảng 12km về phía đông, nằm trọn trong vùng lõi của quần thể danh thắng Tràng An, cạnh khu du lịch nổi tiếng Tam Cốc - Bích Động. Từ chùa Bích Động theo tuyến đường bộ khoảng 4km là du khách đã đặt chân tới Thung Nham - xứ sở của các loài chim. Nơi đây còn được cải tạo theo kiến trúc sinh thái tổng hợp: du lịch câu cá, du lịch miệt vườn, leo núi, du lịch tham quan rừng ngập nước, rừng nguyên sinh, các hang động, vườn chim hoang dã.
Hướng 4: Khu vực Tràng An
+ Động Am Tiên (điểm xuất phát): Động Am Tiên là một di tích quốc gia đặc biệt thuộc quần thể di tích cố đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Động nằm cách cửa Đông - đền vua Đinh Tiên Hoàng khoảng 400m theo hướng đi Tràng An. Vị trí của động Am Tiên khi xưa tiếp giáp với thành Đông của kinh đô Hoa Lư. Đi lên phía trên, bạn sẽ tới Động Am Tiên, đây là ngôi chùa ở lưng chừng núi, để đến được đây phải leo qua 205 bậc đá qua vách núi. Động có hình giống như miệng con rồng nên còn được gọi là hang rồng.
+ Tuyệt Tình Cốc: Phần lớn khu vực động Am Tiên là thung lũng ngập nước, được bao bọc xung quanh bởi vách núi đá. Để vào được động, sau khi qua cổng, bạn phải đi xuống một lối đi bên phía tay trái, cạnh hồ nước rộng được thả sen, súng, cá rô và rùa. Điều đặc biệt, nước ở động Am Tiên lúc nào cũng trong xanh, có thể nhìn thấy tận đáy với nhiều rong rêu.
+ Cố đô Hoa Lư: Hoa Lư là kinh đô của nước Đại Cồ Việt (tên xa xưa của nước Việt Nam) có cách đây gần 10 thế kỷ thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Nếu nhìn về mặt địa lý ta sẽ hiểu vì sao khi lên Ngôi Vua Đinh Tiên Hoàng lại lựa chọn Hoa Lư làm kinh đô bởi: Những núi đồi trùng điệp bao bọc xung quanh vòng đai kinh đô như tấm bình phong; sông Hoàng Long uốn khúc và cánh đồng Nho Quan, Gia Viễn mênh mông là hào sâu thiên nhiên rất thuận lợi về mặt quân sự.
+ Đền vua Lê Đại Hành: Còn gọi là đền Hạ, thuộc địa phận thôn Trường Yên Hạ, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư. Đền Vua Lê Đại Hành là một di tích lịch sử văn hóa thuộc khu di tích cố đô Hoa Lư tỉnh Ninh Bình. Đền nằm cách đền vua Đinh Tiên Hoàng 300 mét, nhìn chung có kiến trúc gần giống như đền thờ Đinh Tiên Hoàng, cũng xây dựng theo kiểu nội công ngoại quốc, chỉ khác là đi vào đền theo cổng phía đông, có thêm từ vũ, không có ngưỡng cửa đá và những tảng đá cổ bồng tôn cao lên như đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng. Đền Lê Đại Hành còn giữ nguyên được lối kiến trúc và điêu khắc ở thời kỳ Hậu Lê.
+ Khu du lịch sinh thái Tràng An: Khu du lịch sinh thái Tràng An là một quần thể danh lam - thắng cảnh được ví như một "vịnh Hạ Long trên cạn" với nhiều hang động, núi non, thung nước, rừng cây và các di tích lịch sử nằm xen kẽ nhau. Nơi đây có hệ thống núi đá vôi và hang động tự nhiên hết sức đa dạng. Nhiều dãy núi đá vôi vách dựng đứng ôm trọn cả thung lũng, dưới chân các dãy núi đá vôi có rất nhiều hàm ếch, cửa hang là dấu tích sự xâm thực của nước biển.
Hướng 5: Đi chùa Non Nước
+ Núi Non Nước: Núi Non Nước hay còn gọi là Dục Thúy Sơn là ngọn núi đẹp nằm ở phía đông bắc thành phố Ninh Bình, nơi đây được xem như chốn cửa biển non tiên, nằm giữa hai cây cầu Non Nước và cầu Ninh Bình và nằm ngay trên ngã ba sông Vân với sông Đáy. Lối lên đỉnh Non Nước qua 72 bậc gạch đá, chia làm 5 cấp. Đỉnh núi tương đối bằng phẳng, cây cối xanh mát, rất thuận tiện nghỉ ngơi, giải trí cho khách tham quan. Đến với danh thắng này, bạn sẽ được tận hưởng không khí trong lành, thoáng mát và cảm giác thanh tịnh, yên bình.
+ Chùa Non Nước: Chùa Non Nước – ngôi chùa cổ kính hàng trăm tuổi tọa lạc dưới chân núi Non Nước luôn mang trong mình vẻ linh thiêng, trầm mặc. Chùa được xây bằng đá dưới thời vua Lý Nhân Tông và được tu bổ khang trang hơn. Mỗi năm, chùa đón hàng trăm lượt du khách đến chiêm bái, lễ phật.
+ Đền thờ Trương Hán Siêu: Đền thờ Trương Hán Siêu Đền thờ danh nhân văn hóa Trương Hán Siêu nằm trên địa bàn phường Thanh Bình (thành phố Ninh Bình). Đền được xây dựng cạnh chân núi Non Nước nơi ngã ba sông Đáy và sông Vân. Đền thờ danh nhân văn hóa Trương Hán Siêu là điểm sinh hoạt tâm linh của đông đảo nhân dân địa phương và du khách thập phương.
+ Đền vua Đinh Tiên Hoàng: Đền vua Đinh là nơi duy nhất ở Việt Nam thờ đồng thời vua Đinh Tiên Hoàng, cha mẹ ông cùng các con trai và có bài vị các tướng triều Đinh. Đền Vua Đinh Tiên Hoàng là một di tích quan trọng thuộc vùng bảo vệ đặc biệt của quần thể di sản cố đô Hoa Lư, toạ lạc ở xã Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình.
Xem bản đồ chỉ đường chi tiết tại ĐÂY
Thực hiện: Habi
Nguồn : tripnow.vn