Quá khứ đáng sợ của đảo Spike – điểm du lịch hàng đầu châu Âu

Hòn đảo xinh đẹp ngoài khơi Ireland từng chứng kiến 1.000 người chết chỉ trong bốn năm.

Quá khứ đáng sợ của đảo Spike – điểm du lịch hàng đầu châu Âu

Trên hòn đảo ngoài khơi bờ biển tây nam Ireland là một pháo đài lâu đời hình ngôi sao đẹp tựa tranh vẽ. Thế nhưng nơi đây lại từng là một trong những nhà giam khét tiếng nhất thế giới, theo CNN.

Hiện tại, đảo Spike trở thành địa điểm tham quan ấn tượng – giống như nhà tù Alcatraz ở San Francisco (Mỹ) hay đảo Robben ở Nam Phi. Nhưng dưới thời Victoria, nơi đây từng là mồ chôn của biết bao tù nhân đến mà không bao giờ rời đi, với hơn 1.000 người thiệt mạng chỉ trong vòng bốn năm.

Quá khứ đáng sợ của đảo Spike – điểm du lịch hàng đầu châu Âu

Hòn đảo nhìn từ trên cao. Ảnh: CNN.

Để tìm hiểu bí ẩn về những người đã chết trên đảo, nhà sinh vật học Barra O’Donnabhain đã bắt đầu khai quật nghĩa trang dành cho các tội phạm ở đây vào năm 2013.

Suốt 5 năm qua, O’Donnabhain và nhóm của ông đã phát hiện ra những bí ẩn được chôn giấu rất lâu trên đảo Spike, kể cả một thủ tục phức tạp từng được thực hiện trên quan tài của các tù nhân.

Đảo Spike – thường được gọi là “Alcatraz của Ireland” – có một lịch sử đa tầng nghĩa. Những ghi chép ban đầu cho thấy hòn đảo có diện tích 42 ha này có thể từng là một khu định cư tôn giáo có từ thế kỷ thứ 6. Nó dần phát triển thành căn cứ quân sự của Vương quốc Anh trong thế kỷ 18, trước khi trở thành trạm trung chuyển tù nhân đến các thuộc địa dành cho tội phạm như Australia hay Bermuda.

O’Donnabhain, giáo sư khảo cổ học tại Đại học Cork ở Ireland, cho biết: “Nhà tù được chính quyền mở ra để đối phó với khủng hoảng do sự gia tăng nạn đói và tội phạm, khi mà luật pháp trừng phạt hành vi trộm cắp rất khắc nghiệt vào thời điểm đó”.

Từ năm 1847, nam giới từ 12 tuổi đã bị đưa đến đảo Spike sau khi phạm một số tội danh, như ăn cắp khoai tây – hành vi khá bị coi nhẹ vào hiện tại.

Tuy nhiên đến năm 1853, số lượng tù nhân trên đảo đã tăng lên 2.500, khiến nó có thể là nhà tù lớn nhất của Đế quốc Anh vào thời điểm đó, nếu không muốn nói là cả thế giới, xét về số lượng tù nhân.

Có tới 40 tù nhân bị nhốt trong mỗi phòng ngủ tập thể có diện tích 65 m2, không có phòng giam riêng lẻ cho tội phạm đặc biệt nguy hiểm.

Theo các ghi chép và lời kể ít ỏi còn lại, tù nhân đủ thể loại bị xích chặt từ cổ tay cho đến mắt cá chân, gây gãy xương, và nhiều người mô tả nơi đây chính là một “địa ngục trần gian”.

Hệ thống phòng giam trên đảo. Ảnh: CNN.

O’Donnabhain giải thích, chế độ lao động cưỡng bức cùng với điều kiện sống nghèo nàn và chế độ ăn uống thiếu thốn, đã khiến gần như ngày nào cũng có người chết trong những năm đầu tiên.

Ghi chép chỉ ra rằng một trong hai nghĩa địa của hòn đảo có tới 1.000 tù nhân đã chết trước năm 1860. Nhóm của O’Donnabhain đã khai quật 35 ngôi mộ tại một nghĩa trang được sử dụng sau năm 1860. Theo đó, từ thời điểm này, số người chết đã giảm đáng kể xuống còn một người mỗi tháng.

Ông đã rất ngạc nhiên khi phát hiện ra một thói quen của các tù nhân khi chôn cất bạn tù. Họ tỉ mỉ vẽ lên các quan tài gỗ thông giá rẻ để giúp nó trông giống như hòm bằng gỗ sồi.

O’Donnabhain nói: “Tôi cho rằng điều đó giống như một món quà mà các tù nhân còn sống gửi đến người đã chết. Họ bị chôn vùi trong một nghĩa trang tội phạm trên một hòn đảo khét tiếng, bị đặt ra bên lề của xã hội. Nhưng những tù nhân này chỉ làm việc đó với người nhận được sự tôn trọng”.

Thế nhưng một trong những phát hiện gây tò mò nhất là việc một số ít bộ xương có phần đỉnh của hộp sọ bị lấy mất.

O’Donnabhain suy đoán rằng việc này có thể là một phần trong nghiên cứu lớn do nhà khoa học người Italy, Cesare Lombroso, thực hiện trong thập niên 1870, nhằm xác định các đặc trưng cơ thể của những “tội phạm từ trong trứng nước”.

O’Ronnabhain giải thích: “Lombroso đã thực hiện rất nhiều cuộc khám nghiệm tử thi, và ông đã tìm thấy một biến thể đặc biệt trong hộp sọ mà ông cho là dấu hiệu của tội phạm tự nhiên”. Tất nhiên cho đến nay, các giả thuyết của Lombroso đều đã bị giới khoa học phản bác.

Nhưng O’Donnabhain không thể chắc chắn đó chính xác là những gì nhóm của Lombroso đã làm trên đảo Spike.

Khi nhà tù này đóng cửa vào năm 1883, hòn đảo tiếp tục được sử dụng với chức năng ban đầu của nó là một doanh trại quân đội. Nhưng từ năm 1985 đến 2004, nó lại trở về vai trò là một nhà tù.

Khi O’Donnabhain tiến hành nghiên cứu, ông nói rằng có những thông điệp vẫn còn nằm trên những chiếc giường. Vì vậy, trước khi bắt đầu khai quật, nhóm của ông đã ghi lại những nét vẽ graffiti hiện đại nguệch ngoạc được thực hiện bởi các tù nhân trong thế kỷ 20.

Hình vẽ trên các bức tường kể chi tiết các biệt danh, câu nói, hay quê hương của các tù nhân. O’Donnabhain nói những tù nhân hiện đại này cũng xuất phát từ những “thiệt thòi xã hội” như tội phạm trong thời đại Victoria.

“Bạn sẽ thấy họ có điểm chung: cùng là người nghèo khổ kết thúc trong tù hoặc những người đến từ những hoàn cảnh thiệt thòi của xã hội”, ông nói.

Đến năm 2016, đảo Spike đã được chuyển đổi thành một địa điểm tham quan và mở cửa cho công chúng vào năm 2016. Thậm chí vào năm 2017, nơi đây đã được vinh danh là “Địa điểm du lịch hàng đầu châu Âu” tại World Travel Awards.

O’Donnabhain nói khách du lịch tò mò và muốn khám phá quá khứ đen tối của nhà tù và hòn đảo. “Mọi người bị thu hút bởi những nơi ngoài tầm với của họ. Nếu bạn nói với mọi người rằng họ không thể đến đó, họ càng muốn thấy những gì đằng sau bức tường đó”, ông chia sẻ.

Theo Trường Đặng/Vnexpress