Chiêm ngưỡng hai khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa và Kon Hà Nừng

Tại kỳ họp lần thứ 33 Hội đồng Điều phối Quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB/ICC - International Coordinating Council of the Man and the Biosphere Programme) vừa qua, hai khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa và Cao nguyên Kon Hà Nừng của Việt Nam đã được tổ chức UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Việc được UNESCO công nhận phần nào thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế với những giá trị về đang dạng sinh học và nỗ lực bảo tồn, phát triển thiên nhiên của Việt Nam. Qua đó, Việt Nam mong muốn góp phần đưa hình ảnh đất nước, con người cũng như văn hóa đến gần hơn với bạn bè quốc tế.

Vẻ đẹp của hai khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa và Kon Hà Nừng

Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa

Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa với một vùng lõi là vườn quốc gia Núi Chúa, tổng diện tích 106.646,45ha, là mẫu chuẩn duy nhất về hệ sinh thái rừng khô hạn đặc trưng và độc đáo của Việt Nam và Đông Nam Á.

Được biết, nơi đây kết hợp giữa bảo tổn đa dạng sinh học và các giá trị văn hóa bản địa, mang đến nhiều cảnh sắc thiên hùng vĩ, ấn tượng.

Đặc trưng của hệ sinh thái tại khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa là các loại thực vật có khả năng chịu hạn, sở hữu đặc điểm như rụng lá mùa khô, cây lá nhỏ có răng cưa, nhiều gai để giảm quá trình thoát hơi nước như xương rồng, huyết giác, lọ nồi ô rô, trâm bầu... Cũng chính bởi những đặc trưng riêng biệt này, nhiều người gọi khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa là "Thảo nguyên cây gai" độc đáo, hiếm có tại Việt Nam.

Ngoài ra, hệ động vật cũng đa dạng với 765 loài, trong đó có 46 loài quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ thế giới. Vùng biển của địa danh còn có rạn san hô rất phong phú với 350 loài và có quần thể rùa biển đến sinh sản hằng năm đang được bảo vệ nghiêm ngặt.

Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng

Khu dự trữ sinh quyển thứ hai là cao nguyên Kon Hà Nừng (Gia Lai) gồm 2 vùng lõi là Vườn quốc gia Kon Ka Kinh và Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng. Với tổng diện tích là 413.511,67 ha, nơi đây là đặc trưng cho hệ sinh thái, hệ thực vật và hệ động vật rừng.

Các loài động, thực vật ở Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh rất đa dạng, phong phú với khoảng 1.754 loài thực vật bậc cao' 91 loài thực vật bậc thấp' 87 loài thú' 326 loài chim' 77 loài bò sát cùng nhiều loài thú quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng.


Bên cạnh đó, khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng là vùng rừng nhiệt đới xanh núi thấp, nằm ở một phần diện tích có cư dân bản địa sinh sống nên sở hữu nhiều văn hóa bản địa phong phú, mang đậm nét Tây Nguyên.

Diện mạo mới của hai khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận

Được UNESCO công nhận là hai khu dự trữ sinh quyển thế giới, Việt Nam hiểu rõ trách nhiệm ứng xử của các địa phương với danh hiệu, cũng như là trách nhiệm của từng người dân với thiên nhiên. Trong thời gian tới, các cấp lãnh đạo hai khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa và Kon Hà Nừng sẽ đẩy mạnh việc bảo vệ, duy trì phát triển các dịch vụ hệ sinh thái, bảo đảm phúc lợi của người dân và phát triển kinh tế gắn với các mục tiêu phát triển bền vững.

Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa sẽ tập trung phát triển du lịch sinh thái như du lịch biển, du lịch rừng, du lịch nghiên cứu khoa học, du lịch giáo dục môi trường. Đồng thời, kết hợp tham quan, nghỉ dưỡng, tìm hiểu các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của cộng đồng các dân tộc bản địa, đặc biệt là văn hóa Chăm.

Với Cao nguyên Kon Hà Nừng, việc quản lý, bảo vệ rừng, thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động quản lý, bảo vệ rừng và chia sẻ lợi ích từ rừng đang được tiến hành ở khu vực hành lang kết nối giữa Vườn quốc gia Kon Ka Kinh và Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng.

Hoạt động này nhằm mục đích đóng góp vào bảo tồn đa dạng sinh học và nâng cao đời sống của các cộng đồng địa phương. Cùng với đó, giúp người dân có ý thức hơn trong việc tham gia bảo tồn, phục hồi phát triển các mô hình nông lâm nghiệp bền vững tại địa phương, góp phần giảm sức ép lên tài nguyên.

Bài liên quan
Chiêm ngưỡng hai khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa và Kon Hà Nừng
Việt Nam có thêm 2 khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận
Phát triển khu dự trữ sinh quyển Cát Bà theo hướng bền vững
Vẻ kì vĩ của những Di sản Thế giới mới được UNESCO công nhận