Cá có sừng thuộc loài gì?
Cá có sừng (hay kỳ lân biển) thực chất là một loài cá voi ở Bắc Cực. Các nhà khoa học đã phân loại nó và cá voi beluga cùng thuộc chi Kỳ lân biển. Kỳ lân biển trông không khác mấy với những chú cá voi còn lại, cho đến khi chiếc sừng dài và nhọn của chúng xuất hiện. Chỉ có cá voi đực mới có sừng.
Chúng được tìm thấy chủ yếu ở vùng biển Bắc Băng Dương thuộc Canada và xung quanh đảo Greenland, những nơi có khí hậu khắc nghiệt nhất.
Vì sao lại tồn tại loài cá có sừng này?
Sừng của kỳ lân biển thực ra là một trong hai chiếc răng duy nhất còn sót lại, thuộc bộ răng 16 chiếc đã thoái hóa. Qua quan sát có thể thấy, cá có sừng đã chịu đau đớn thế nào khi chiếc "sừng răng" này đâm qua da chúng.
Sừng của kỳ lân được coi là chiếc răng dài nhất thế giới - nó dài gần 1/2 chiều dài cơ thể kỳ lân đực trưởng thành (tính trên con nặng khoảng 1,5 tấn và dài gần 5 mét).
Sừng của kỳ lân biển có công dụng gì?
Không dùng để tự vệ hay phô trương với bạn tình, theo một số nghiên cứu, cá có sừng dùng chiếc răng khổng lồ ấy để:
- Cảm nhận môi trường: Chức năng chính của nó là nhận các thay đổi về độ mặn, nhiệt độ và áp suất của nước biển
- Định vị: Tương tự với anh em của chúng, kỳ lân biển có thể nhìn rõ ở vùng nước đen bằng sóng âm. Thông tin phản hồi sẽ được chiếc sừng tiếp nhận, đưa thông tin về đường đi trước mặt đến não cá voi.
- Phá băng: Kỳ lân biển sinh sống trong điều kiện lạnh giá. Mùa hè, chúng rời khỏi lớp băng tan để di cư đến khu vực biển phía nam. Mùa đông đến, kỳ lân men theo biển băng để về quê nhà Bắc Cực. Nhờ chiếc sừng khỏe, kỳ lân có thể lao nhanh qua biển lạnh giá trước khi vùng nước đóng băng.
Cá có sừng đã và đang bị đe dọa vì chiếc sừng "bảo bối"
Với vẻ ngoài cổ tích, kỳ lân biển được cho là sinh vật của thần thánh. Vì thế, giới hoàng tộc từng dùng sừng của chúng để trừ tà, giải độc hay biến chúng thành vật phẩm xa xỉ.
Trong tự nhiên, cá voi sát thủ mới là mối đe dọa thực sự của kỳ lân biển. Tuy nhiên, những lời đồn đại cũng như giá trị thịt, sừng của loài này khiến con người trở thành mối họa thứ hai của chúng.
Săn kỳ lân biển không bị coi là bất hợp pháp hoàn toàn. Tuy nhiên, sự việc trở nên đáng quan ngại khi số kỳ lân biển bị săn ở Greenland (từ năm 2004) đã vượt quá số lượng cho phép. Nguy hiểm hơn, Hiệp hội Bảo tồn Cá voi và Cá heo (WDC) của Anh ghi nhận Nhật Bản đang bán ngà kỳ lân biển dạng bột với công dụng "trị sốt, sởi, bệnh hoa liễu" với giá lên tới 929 USD cho 100g. Tuy nhiên, sừng của chúng không được chứng minh là có công dụng này.
Bên cạnh săn bắt quá độ, biến đổi khí hậu cũng sẽ ảnh hưởng tới băng - môi trường sống chính của loài cá có sừng xinh đẹp này, khiến chúng dễ tổn tương hơn cũng như không còn băng để ẩn nấp khỏi loài cá voi sát thủ.
Bài liên quan Ấu trùng kiến là 'món ăn kinh dị' nhưng có giá bạc triệu Video cá heo hồng cực hiếm xuất hiện ở biển Đồ Sơn