Sự thật giấu kín về dòng giống hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc

Tần Thủy Hoàng - hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc

Tần Thủy Hoàng (Tần vương đời thứ 36) sinh năm 259 TCN, mất ngày 10/9/210 TCN, tên thật là Doanh Chính hay còn có tên khác là Triệu Chính. Ông đăng cơ vương vị năm 13 tuổi, trị nước với sự nhiếp chính của trọng phụ Lã Bất Vi.

Thay vì tiếp tục xưng vương như các vị vua thời Thương, Chu, để đánh dấu mốc cho việc thống nhất Trung Hoa và chứng tỏ nhà Tần còn vĩ đại hơn các triều trước, ông tiêu diệt hết sáu nước chư hầu, thống nhất Trung Hoa, kết thúc thời kỳ Chiến Quốc và tự xưng là Thủy Hoàng đế hay Tần Thủy Hoàng (rút ngắn từ Tần Thủy Hoàng đế) năm 38 tuổi.

Tần Thủy Hoàng tại vị ngai vàng tổng cộng 37 năm, 25 năm đầu là Tần vương, 12 năm sau là Thủy Hoàng đế. Năm 210 TCN, ông qua đời vì bệnh nặng khi vi hành chốn dân gian ở tuổi 49.

Thân thế bí ẩn, bị cho là không phải con ruột của tiên vương

Tần Thủy Hoàng Doanh Chính là con của Tần Trang Tương vương Doanh Dị Nhân (tên khác là Doanh Tử Sở). Mẹ của ông là Triệu Cơ, mỹ nhân nước Triệu, đàn hay múa giỏi, vốn là thiếp của Lã Bất Vi, một thương nhân giàu có nước Triệu. Sử ký Tư Mã Thiên ghi chép về song thân và nơi sinh của Doanh Chính, nhưng cũng chép giả thuyết Doanh Chính là con đẻ của Lã Bất Vi.

Thời trẻ, Tần Trang Tương vương Doanh Dị Nhân bị đưa đến nước Triệu làm con tin để đảm bảo hòa khí, hai nước không động binh đao. Tần nhiều lần đánh Triệu, nước Triệu bạc đãi, đòi giết Dị Nhân. Đại phú thương Lã Bất Vi ở Triệu thấy vậy đã kết giao và chu cấp cho vị công tử này. Ông dâng tiểu thiếp của mình là Triệu Cơ cho Dị Nhân, đồng thời giúp Dị Nhân về Tần làm Thái tử rồi đưa lên ngôi vương.

Giả thuyết cho rằng Doanh Chính không phải là con ruột của Dị Nhân mà là con ruột của Lã Bất Vi được tin tưởng rộng rãi trong suốt lịch sử Trung Quốc, góp thêm cái nhìn tiêu cực về Tần Thủy Hoàng. Giả thuyết này cho rằng, khi Triệu Cơ được dâng cho Dị Nhân, bà đã có thai với Lã Bất Vi. Tuy nhiên, nhiều học giả nghi ngờ về giả thuyết này, do dựa vào thời gian mang thai của Triệu Cơ.

Sự thật giấu kín về dòng giống hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc

Như Vương Tiễn cầm quân đánh dẹp Phàn Ô Kỳ đã nói: "Thái hậu có mang mười tháng mới sinh, vậy tức là con tiên vương đẻ ra...". Ngay trong thời đó, những người theo thuyết gán Lã Bất Vi là cha ruột của Doanh Chính cũng không thể lý giải một cách khoa học vì sao Triệu Cơ lại mang thai Doanh Chính tới 12 tháng mà lập luận theo cách "thiên mệnh" rằng: "Có thể tại lòng trời muốn sinh ra một vị chân mệnh thiên tử nên mới để người mẹ hoài thai lâu như vậy...".

Các nhà sử học lý giải rằng: Thực tế, Doanh Chính vẫn chỉ nằm trong bụng mẹ 10 tháng như những đứa trẻ khác kể từ khi Triệu Cơ về với Dị Nhân. Do cộng thêm thời gian Triệu Cơ ở với Bất Vi, thời gian mới là 12 tháng. Ngoài ra, giả thuyết này cũng được cho là sản phẩm của sĩ phu các nước chư hầu Sơn Đông bị Tần Thủy Hoàng tiêu diệt. Họ căm giận Tần đã đoạt nước của mình nên nhân việc mẹ vua Tần từng là thiếp của Bất Vi đã đặt ra chuyện này nhằm hạ thấp Tần.

Lưu lạc thời trẻ và bước đường chông gai lên ngôi hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc

Doanh Chính ra đời ở kinh đô Hàm Đan của nước Triệu. Vì Tần nhiều lần đánh chiếm Triệu nên nước này muốn giết Dị Nhân, cha của Doanh Chính. Dị Nhân cùng Lã Bất Vi đưa sáu trăm cân vàng cho kẻ canh ngục nên trốn thoát khỏi nước Triệu, nhưng Triệu Cơ và Doanh Chính không kịp trốn theo. Quân Triệu muốn giết cả hai người nhưng Triệu Cơ là con nhà tai mắt ở Triệu, lẩn trốn được, vì thế hai mẹ con đều sống sót.

Doanh Chính từ đó lưu lạc dân gian suốt 7 năm liền. Ở đây, ông bị ức hiếp, đánh đập. Nhiều học giả Trung Quốc cho rằng, tuổi thơ bị ức hiếp phần nào hình thành tính cách, khiến ông sau này trở thành bạo chúa, bản tính tàn ác, đa nghi, ám ảnh cái chết.

Thoát chết về đến nước Tần, Doanh Chính được phong làm Thế tử. Doanh Dị Nhân trị vì được 3 năm thì qua đời qua đời, Doanh Chính lên ngôi, tôn Triệu Cơ làm thái hậu, phong Lã Bất Vi làm thừa tướng, gọi là trọng phụ, coi như người cha thứ hai của mình. Vì khi đó Tần vương còn nhỏ, phần lớn chuyện triều chính đều do Lã Bất Vi quyết định.

Ngồi trên vương vị, ông bắt đầu chinh phạt 6 nước chư hầu, tiến hành thống nhất Trung Hoa, mở rộng bờ cõi, trở thành vị hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc. Khi đánh đến nước Triệu, Doanh Chính tìm giết hết những người ngày nhỏ đã bức ép, coi thường mình.

Giết 2 em trai, giam lỏng mẹ ruột, cách chức trọng phụ

Thời Doanh Chính mới lên ngôi, Lã Bất Vi vốn là tình cũ của thái hậu, thường ra vào hậu cung để tư thông với bà. Tần vương còn nhỏ nên không hay biết, hoặc giả vờ không hay. Sau đó, Lã Bất Vi sợ chuyện bại lộ, ngầm sai người tìm kiếm một nam nhân cường tráng tên Lao Ái dâng cho Triệu Cơ.

Theo Sử ký Tư Mã Thiên, Bất Vi trước tiên dùng Lao Ái làm người nhà rồi dâng Ái vào hậu cung, giả làm hoạn quan bằng cách nhổ râu để "hầu hạ" thái hậu. Sau một thời gian, thái hậu sợ Tần vương Chính biết chuyện, xin dời sang sống ở Ung Thành cùng Lao Ái và sinh được hai con trai.

Nhờ thái hậu, Lao Ái được phong làm Trường Tín hầu, cũng mưu xây dựng thế lực, mở phủ nuôi thực khách như Lã Bất Vi. Lao Ái mưu đồ cho con của mình và thái hậu nối ngôi khi Tần vương chết. Tên "hoạn quan" này chiếm con dấu của thái hậu, dấy binh mưu phản. Doanh Chính sau đó đã bắt được Lao Ái, xử ngũ mã phanh thây, tru di tam tộc và giết tất cả môn hạ.

Tần vương còn tìm giết hai con riêng của Lao Ái với thái hậu và đày bà sang đất Ung giam lỏng. Lã Bất Vi bị điều tra và phát giác. Tần vương Chính muốn giết Lã Bất Vi, nhưng vì ông có công lớn trong những năm làm thừa tướng, được các biện sĩ nói đỡ nên không bị xử tử.

Lã Bất Vi bị cách chức, cấp cho một ấp nhỏ ở Hà Nam. Tuy mất quyền nhưng danh tiếng được nhiều người biết đến, nhiều tân khách và sứ giả các chư hầu thường xuyên tìm đến chỗ ông. Sau hơn một năm, lo ngại Lã Bất Vi làm phản, Tần vương Chính bắt ông và thuộc hạ dời sang đất Thục. Tự liệu mình sẽ bị sát hại, vào năm 235 TCN, Lã Bất Vi uống rượu độc tự tử.

Có cả thiên hạ nhưng không có chính thê

Cả đời Tần Thủy Hoàng chứa đựng rất nhiều những bí ẩn chưa có lời giải đáp. Một trong những câu hỏi lớn nhất về ông ta chính là ai mới là người vợ đích thực. Trong các vương triều của các hoàng đế, hậu cung đều được ghi chép lại rất chi tiết, đặc biệt là ngôi vị hoàng hậu, vì đây là vị trí đệ nhất phu nhân, mẫu nghi thiên hạ.

Nhưng trong suốt cả cuộc đời mình, Tần Thủy Hoàng không lập hoàng hậu, ông cũng là hoàng đế duy nhất không lập hoàng hậu kể từ khi chế độ lập hậu được xác lập. Trong khu lăng mộ Tần Thủy Hoàng không có mộ của hoàng hậu, đây là một câu đố chưa thể lý giải được của lịch sử, dù ông từng ngủ với hàng ngàn mỹ nhân, có nhiều con cái.

Dân gian tương truyền, Doanh Chính cả đời yêu một nữ nhân là A Phòng, người từng giúp ông chữa bệnh dịch hạch trong quân doanh lúc dẫn binh chinh phạt. Bà cũng là người có duyên gặp gỡ, cứu giúp Doanh Chính thuở nhỏ, khi ông còn lưu lạc ở nước Triệu, bị nhiều người ức hiếp, đuổi giết. Tuy nhiên, bà không may qua đời. Vì thương tiếc mỹ nhân, Tần Thủy Hoàng cho xây cung điện A Phòng nguy nga tráng lệ. Tuy nhiên đến nay, giai thoại này vẫn chưa được xác minh.


Ám ảnh cái chết, tìm kiếm thuốc trường sinh

Trong những năm cuối đời, Tần Thủy Hoàng sợ cái chết và tuyệt vọng tìm kiếm thuốc trường sinh. Ông bị ám ảnh về sự bất tử, cũng vì thế mà bị nhiều người lừa bịp, hứa đưa ra loại thuốc có thể sống đời. Vị vua này từng 3 lần viếng thăm đảo Chi Phù để tìm kiếm sự bất tử.

Nhiều lần bị hành thích, ám sát nên Tần Thủy Hoàng càng có sự cảnh giác, đề phòng cao. Do sợ cái chết và các "linh hồn xấu xa", ông cho xây dựng một loạt đường hầm và lối đi thông qua mỗi cung điện của mình (hơn 200 cung điện), bởi vì chúng sẽ giữ cho ông an toàn từ các linh hồn xấu xa, khi di chuyển không bị nhìn thấy.

Năm 211 TCN, một thiên thạch được cho là rơi xuống Đông Quận ở vùng hạ lưu của sông Hoàng Hà. Trên đó có người ghi dòng chữ "Thủy Hoàng sẽ chết và đất nước sẽ bị chia cắt". Khi biết được, ông đã phái người đi điều tra. Không ai nhận là người viết dòng chữ kia nên tất cả những người sống gần đó đều bị giết. Tảng đá sau đó bị đốt cháy và nghiền thành bột.

Không lâu sau, Tần Thủy Hoàng đi kinh lý phía đông, Tả Thừa tướng Lý Tư đi theo, Hữu Thừa tướng Khứ Tật ở nhà. Hồ Hợi, con nhỏ của Thủy Hoàng, được nhà vua yêu mến xin đi theo, ông bằng lòng. Sau khi tế vua Hạ Vũ ở Cối Kê, Tần Thủy Hoàng trở về kinh. Trên đường trở về, đến bến Bình Nguyên thì ông ngã bệnh.

Tần Thủy Hoàng ghét người ta nói đến cái chết nên quần thần không ai dám nói về chuyện chuẩn bị cho việc ông qua đời. Khi bệnh trở nặng, vua viết thư đóng long ấn gửi đến hoàng tử Phù Tô nói: "Con về Hàm Dương tổ chức đám tang, và chôn cất ta ở đấy". Bức thư được niêm phong ở phủ trung xa, thuộc quyền Triệu Cao. Thư chưa kịp giao cho sứ giả thì Tần Thủy Hoàng qua đời ở Bình Đài, thuộc đất Sa Khâu, cách kinh thành Hàm Dương khoảng hai tháng đi bằng đường bộ.

Sử liệu phương Tây cho rằng, có thể ông chết vì uống phải thủy ngân trong thuốc trường sinh do các nhà giả kim và ngự y chế ra.

Xác thối rữa vì "vi hành" 2 tháng liền, ngoài kiệu vẫn được dâng nước, muôn tâu

Thừa tướng Lý Tư thấy vua mất xa kinh đô, lo tin này có thể kích hoạt một cuộc nổi dậy trên toàn quốc nên đành giấu kín, không báo tang. Quan tài của Tần Thủy Hoàng được chở trong một cỗ xe mát, cho một hoạn quan được hoàng đế yêu quý ngồi trong. Đi đến đâu dâng thức ăn đến đó, trăm quan vẫn tâu việc như thường, hoạn quan trong xe nghe lời tâu, liền bảo: "Được!". Chỉ có Hồ Hợi, Triệu Cao và một vài hoạn quan thân tín của nhà vua, tất cả có năm sáu người biết tin hoàng đế đã băng hà.

Vì đường xa, nắng nóng, xác của nhà vua bị phân hủy và bốc mùi hôi. Lý Tư ra lệnh cho hai xe ngựa chứa cá ươn đi trước và sau xe mát để đánh lẫn mùi thối phát ra từ cơ thể phân hủy. Sau khoảng hai tháng, đoàn của Lý Tư trở lại Hàm Dương, từ đó tin tức về cái chết của Tần Thủy Hoàng mới được công bố.

Tần Thủy Hoàng không thích nói về cái chết của mình và không hề viết di chúc. Sau khi ông chết, con trai cả Phù Tô theo lệ sẽ là hoàng đế nối ngôi. Nhưng Triệu Cao và Lý Tư âm mưu phản nghịch, làm giả chiếu thư, đưa Hồ Hợi (năm đó 21 tuổi) lên ngôi và viết thư giả bức ép Phù Tô tự sát.

Hồ Hợi giết sạch anh, chị, em của mình, bị Triệu Cao thao túng. Không tài giỏi như cha, chỉ trong thời gian ngắn, Nhị Thế Hoàng đế (tức Hồ Hợi) làm sụp đổ tất cả những gì Tần Thủy Hoàng gây dựng. Năm 206 TCN, 3 năm sau khi đăng cơ, Hồ Hợi bị Triệu Cao bức tử, nhà Tần diệt vong. Triều đại mà Tần Thủy Hoàng khổ công gây dựng với mong ước nó sẽ tồn tại "Thiên thu vạn thế", rốt cuộc chỉ tồn tại được 15 năm.

> Đọc thêm tin mới nhất hôm nay.

> Cập nhật tin mới nhất về du lịch.

Bài liên quan
Tại sao Tần Thủy Hoàng luôn hành động tàn nhẫn vô cớ?
Tại sao long bào của Tần Thủy Hoàng màu đen?
Giải mã bí ẩn Lăng mộ Tần Thủy Hoàng cùng FAHOKA