Thời điểm hiện nay, nhiều địa phương trên cả nước bắt đầu bước vào thu hoạch rộ vụ lúa đông xuân. Tại khá nhiều nẻo đường có thể dễ dàng bắt gặp cảnh người dân trải bạt xuống lòng đường, xếp gạch đá, “phân lô” chiếm quá nửa phần đường, lợi dụng mặt đường để phơi thóc.
Rồi buổi chiều, người dân lại lũ lượt mang xe lôi, xe tự chế ra giữa đường để thu dọn nông sản. Một phần rơm rạ được phơi chất thành từng đống ven đường, một phần đốt luôn tại ruộng, tạo nên các đám khói mù mịt gây ô nhiễm môi trường cả một vùng rộng lớn. Khói từ rơm rạ cháy làm hạn chế tầm nhìn của các lái xe, cùng với việc lấn chiếm đường giao thông, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động giao thông, tiềm ẩn nguy cơ rất cao gây tai nạn nghiêm trọng.
Đầu tháng 4 vừa qua, trên tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, đã xảy ra các vụ va chạm liên hoàn giữa hàng chục ô-tô ở cả hai hướng mà nguyên nhân là do người dân sau khi thu hoạch lúa, đã đốt luôn rơm rạ trên ruộng ven đường, tạo nên các đám khói dày đặc, che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện.
Đốt đồng sau thu hoạch và phơi thóc lúa trên đường trong mùa thu hoạch là thói quen của nhiều người dân sống ven quốc lộ, tỉnh lộ. Tuy nhiên, việc “tiện thể” lấn chiếm lòng, lề đường và hành lang an toàn đường bộ để phơi nông sản, đốt rơm rạ đã gây nguy hiểm cho các phương tiện. Đây là một trong những hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của Luật Giao thông đường bộ. Nguyên nhân chính để xảy ra hiện tượng này do ý thức của người dân chưa cao, trong khi công tác tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tập quán canh tác của chính quyền địa phương chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Bên cạnh đó, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng chưa quyết liệt, thiếu các giải pháp đồng bộ để xử lý triệt để những vi phạm nêu trên.
Để góp phần thay đổi tập quán sản xuất và bảo quản nông sản sau thu hoạch, chấn chỉnh các hành vi vi phạm, giữ gìn an toàn giao thông trên đường bộ, chính quyền các địa phương cần tuyên truyền, nhắc nhở người dân tuyệt đối không sử dụng trái phép lòng đường để phơi nông sản, có phương án xử lý phơi sấy nông sản, phục vụ nhu cầu của nhân dân. Đồng thời, kêu gọi các cơ quan khoa học nghiên cứu, ứng dụng công nghệ phù hợp để xử lý, tận dụng rơm rạ làm nguồn vật liệu bổ sung hay nguyên liệu có giá trị cho các ngành sản xuất khác; cung cấp và hướng dẫn người dân sử dụng các chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ dư thừa sau thu hoạch thành phân vi sinh hữu cơ phục vụ nông nghiệp, tiến tới hạn chế tình trạng đốt rơm rạ, góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường. Có thể gắn với các tiêu chí thi đua hằng năm, kiểm điểm, đánh giá năng lực chính quyền cơ sở nếu để xảy ra hiện tượng đốt rơm rạ ở nhiều nơi, nhất là trên đường giao thông, nơi công cộng.
Bộ Giao thông vận tải cần chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các sở giao thông vận tải phối hợp chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm sử dụng lòng đường trái phép để phơi nông sản sau thu hoạch, đốt rơm rạ, các sản phẩm phụ của nông nghiệp sau thu hoạch trên đường và dọc hành lang an toàn các tuyến đường bộ, ảnh hưởng đến an toàn giao thông, cảnh báo nguy cơ, hậu quả tai nạn do những vi phạm trên gây ra. Bên cạnh đó, mỗi người dân hãy tự nâng cao ý thức chấp hành nghiêm quy định pháp luật để bảo đảm an toàn giao thông.
Xích Tùng/Nhandan