Những điều chưa biết về tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Những điều về tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông bạn nên biết trước khi tuyến đường sắt này đi vào hoạt động.
Những điều chưa biết về tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông
Những điều chưa biết về tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông


Theo đại diện Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội), đơn vị quản lý vận hành, khai thác tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông, phương án giá vé được xây dựng với sự hỗ trợ của JICA, theo kinh nghiệm thế giới và căn cứ khả năng chi trả của người dân, có trợ giá của Nhà nước để có tính cạnh tranh với phương tiện cá nhân.

Giá vé dự kiến tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Metro Hà Nội đã khảo sát hơn 1.500 người dân sống lân cận tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông. Kết quả cho thấy đa số người dân đồng ý giá vé đường sắt đô thị sẽ cao hơn giá vé xe buýt 30%-37%; giá vé tháng cao hơn 15%-20%. Ví dụ, giá xe buýt là 7.000 đồng thì vé đường sắt là khoảng 10.000 đồng.


Tàu Metro Cát Linh-Hà Đông chạy thử nghiệm.

Đơn vị tàu điện Cát Linh-Hà Đông đã đưa ra ba phương án giá vé, mức giá thấp, trung bình và cao. Mỗi phương án chênh nhau 1.000 đồng mỗi vé. Giá vé sẽ được tính trên mức giá cố định chung (giá mở cửa), sau đó cộng thêm tiền cho mỗi km theo nguyên tắc "đi bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu". Phương án giá vé trung bình thì hành khách đi 4-5 km sẽ trả tiền vé 10.000 đồng.

Thời gian bắt đầu vận hành

Ban QLDA đường sắt (Bộ GTVT) đặt mục tiêu đưa dự án vào khai thác thương mại trước Tết Nguyên đán 2019. Dự án này đã vận hành thử từ ngày 22-9. Quá trình thử nghiệm có thể kéo dài 3-6 tháng.


Đường sắt Cát Linh sẽ chạy thử nghiệm khoảng 3-6 tháng.

Năng lực vận chuyển

Có tổng cộng 13 đoàn tàu và năng lực thiết kế của tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông là 144 chuyến/ngày với 960 hành khách/chuyến. Như vậy có khoảng 160.000-180.000 hành khách/ngày, gấp 10 lần tuyến xe buýt nhanh BRT

Tuyến có bao nhiêu nhà ga

Toàn tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông có 12 nhà ga được thiết kế mái cong, phù hợp với khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều của Việt Nam. Mái nhà ga sử dụng vật liệu lấy sáng, khả năng chống gió cao, giảm bức xạ mặt trời.


Ga Láng có vị trí đặc biệt khi nằm trên các cột trụ được xây giữa lòng sông Tô Lịch và đường Láng.

Tất cả các nhà ga được bố trí nhiều tiện ích như cây ATM; thang máy; bảng biển thông tin hướng dẫn về giờ tàu; thiết bị hỗ trợ người khuyết tật; hệ thống thu soát vé tự động; camera an ninh…

Kết nối nhà ga như thế nào

Xung quanh các nhà ga đều có bố trí điểm đỗ xe cho hành khách gửi xe cá nhân, kết nối thuận tiện với trạm xe buýt. Hành khách lưu thông bằng cầu đi bộ hoặc cầu thang lên nhà ga trên cao. Dọc hành lang đường sắt đô thị trên trục quốc lộ 6 có 34 tuyến xe buýt đang hoạt động.

Giờ hoạt động của tàu

Đường sắt Cát Linh-Hà Đông khi vận hành chính thức sẽ hoạt động từ 5 giờ sáng đến 23 giờ đêm mỗi ngày. Khoảng 5 phút sẽ có một chuyến xuất bến, ngoài giờ cao điểm thì 10 phút một chuyến. Khi đến ga, đoàn tàu sẽ dừng khoảng 30 giây để hành khách lên xuống.

Tốc độ của đoàn tàu

Tàu được thiết kế tốc độ khoảng 80 km/giờ nhưng khi khai thác sẽ chạt bình quân ở tốc độ 35 km/giờ, tốc độ cho phép chạy đến 65 km/giờ. Với tốc độ như vậy tính trung bình đi từ Bến xe Yên Nghĩa đến ga Cát Linh và ngược lại (dài 13,1 km) trung bình mất 15-20 phút.


Sơ đồ các tuyến Metro

Metro trong tương lai

Theo quy hoạch giao thông vận tải thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hệ thống metro Hà Nội sẽ có 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 417,8 km (75,6 km đi ngầm và 342,2 km cầu cạn và cầu cạn kết hợp đi ngầm). Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 40 tỉ USD.

MuaBanNhaDat theo TBKD