Starbucks loại bỏ ống hút nhựa có thực sự giúp bảo vệ môi trường?

Dù ống hút nhựa chỉ chiếm 0,03% tổng khối lượng chất thải nhựa, việc nói “không” với ống hút nhựa của Starbucks vẫn biểu trưng cho bước đi đầu tiên của nhân loại trên con đường hướng tới giảm thiểu loại rác thải này.

Starbucks loại bỏ ống hút nhựa có thực sự giúp bảo vệ môi trường?

Cốc nhựa có thiết kế nắp kiểu mới của Starbucks

Ngày 09.07, chuỗi bán lẻ cà phê toàn cầu Starbucks đã công bố họ sẽ loại bỏ tất cả ống hút nhựa và thay thế bằng nắp đậy không cần ống hút để uống. Starbucks ước tính thay đổi này sẽ giúp loại bỏ hơn một tỉ ống hút nhựa mỗi năm trên toàn cầu. Sau khi sử dụng, hầu hết các ống hút này đều bị thải ra bãi rác và đại dương.

Dù thay đổi này đến năm 2020 mới có hiệu lực, nhưng nhiều người có thể đã nhận ra sự hiện diện của loại nắp đậy mới trên một vài đồ uống lạnh của Starbucks, bao gồm cà phê nitơ. Điều này được thực hiện ngay sau khi lệnh cấm ống hút nhựa tại trụ sở chính của Starbucks tại Seattle được ban hành vào tuần trước.

Ống hút nhựa đã bớt được ưa chuộng trong thời gian gần đây vì chúng hiếm khi được tái chế. Ống hút nhựa Starbucks hiện tại có thể tái chế, tuy nhiên bởi kích thước nhỏ và trọng lượng nhẹ, chúng thường được phân loại một cách máy móc trong quá trình tái chế và bị đưa ra các bãi rác và đường thoát nước.

Starbucks đã chọn được phương pháp thay thế ống hút nhựa: nắp cốc để uống không cần ống hút. Loại nắp này có phần miệng nhô lên và có thể tái chế toàn bộ. Một vài loại đồ uống sẽ tiếp tục có ống hút, bao gồm cà phê frappuccino, nhưng những ống hút này sẽ được làm bằng nhựa hoặc giấy có thể phân hủy.

Thiết kế nắp mới của Starbucks

Sự thay đổi này là một phần cam kết của Starbucks trong việc gia tăng chất liệu có thể tái chế trong đồ uống. Starbucks chọn các cửa hàng tại Seattle và Vancouver (Canada) làm đối tượng để thí nghiệm thay đổi này và dự định sẽ hoàn thành việc loại bỏ ống hút tại các địa điểm nói trên vào mùa thu năm nay. Đến năm 2020, tất cả 28.000 cửa hàng của Starbucks sẽ không còn sử dụng ống hút bằng nhựa.

Ống hút nhựa mất khoảng 200 năm để phân hủy trong môi trường. Điều này làm tăng sự hiện diện của các hạt nhựa có đường kính nhỏ hơn 5mm trong bãi rác và đại dương. Ống hút và các hạt nhựa sẽ làm hại hệ sinh thái biển, lênh đênh trong môi trường nước, bị các sinh vật biển nuốt vào và tái xuất hiện ngay trong món hải sản mà con người thưởng thức.

Loại bỏ ống hút nhựa có thực sự giúp ích cho môi trường?

Dù việc nói “không” với ống hút nhựa trên toàn cầu chẳng giải quyết được vấn đề ô nhiễm do nhựa có quy mô quá lớn, các nhà môi trường học hy vọng điều này sẽ khởi đầu cho nỗ lực của các cá nhân trong việc loại bỏ loại nhựa dùng một lần trong đời sống. Ước tính có 175 triệu ống hút được sử dụng và vứt đi mỗi ngày.

Hàng thập kỷ trước, nhiều người tin rằng rủi ro lớn nhất mà các sản phẩm nhựa mang lại cho đại dương là việc các sinh vật biển lâm nguy khi nuốt phải túi nhựa hoặc các sản phẩm nhựa khác. Giờ đây chúng ta đã nhận thức được rằng khi phân hủy, nhựa sẽ giải phóng bisphenol-A (BPA), một chất độc hại gây ung thư và dẫn đến các biến chứng hormone.

Quay trở lại luận điểm chính, chiến dịch sử dụng ống hút nhựa thực chất chính là đang đối mặt với vấn đề sử dụng nhựa trên toàn cầu. Chiến dịch này nâng cao nhận thức về tác hại của nhựa không thể tái chế bằng cách kêu gọi sự tham gia của những người nổi tiếng, các thành phố và các công ty. Đây là một thay đổi nhỏ nhưng dễ dàng và nhanh chóng mà mỗi người có thể thực hiện vì cuộc sống của chính mình. Nói cách khác, chiến dịch này là điều dễ thực hiện nhất trong số các cách thức có thể thực hiện để nói “không” với nhựa.

Mặc dù ống hút nhựa không phải là nguồn rác thải nhựa lớn nhất (chỉ chiếm ước tính 0,03% tổng khối lượng chất thải nhựa), chúng lại biểu trưng cho bước đi đầu tiên trên con đường hướng tới giảm thiểu loại rác thải này. Vì vậy, dù có thể có ý kiến cho rằng, việc tập trung vào ống hút nhựa chỉ đang giải quyết tác nhân không đáng kể gây ô nhiễm môi trường, điều này lại là cánh cửa dẫn tới các chiến dịch bảo vệ môi trường lớn hơn.

Nhiều tập đoàn lớn khác cùng vào cuộc

Dù Starbucks là công ty lớn nhất có kế hoạch hoàn toàn loại bỏ ống hút nhựa, một số công ty và thành phố khác lại là những đơn vị bắt tay thực hiện chiến dịch này từ sớm. McDonald's thông báo sẽ bắt đầu loại bỏ ống hút bằng nhựa ở Anh và Ireland. Ngoài ra, chuỗi khách sạn Hyatt sẽ bắt đầu chỉ phục vụ ống hút nhựa nếu có yêu cầu từ khách hàng kể từ ngày 01.09, với mục tiêu cuối cùng là loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng dụng cụ uống nước này.

Tác động của nhựa dùng một lần lên hệ sinh thái toàn cầu và sức khỏe con người tiếp tục là mối quan tâm hàng đầu và trở thành trọng điểm của các nghiên cứu gần đây. Ước tính vào năm 2050 sẽ có nhiều nhựa hơn cá trong đại dương. Ngoài ra, các nghiên cứu đã tìm thấy các hạt nhựa nhỏ trong tất cả các loại hải sản trên thị trường và nhà hàng trên toàn cầu.

Cho đến nay, tác động của việc hấp thụ hạt nhựa nhỏ về lâu dài vẫn chưa được xác định chính xác. Đề tài này đặc biệt khó nghiên cứu, bởi gần như không thể tìm ra một nhóm đối tượng thí nghiệm chưa bao giờ ăn cá không bị nhiễm hạt nhựa.

Tác giả Trevor Nace là tiến sĩ địa chất, nhà sáng lập website Science Trends, cộng tác viên của tạp chí Forbes và nhà thám hiểm.