Thảm hoạ xảy ra khi đường lên 'nóc nhà thế giới' kẹt cứng bởi những kẻ thiếu kinh nghiệm

Sự nguy hiểm hiện nay ở Everest chính là tình trạng quá tải, người leo núi xếp hàng, chen lấn nhau trên đỉnh núi cao nhất thế giới. Điều này dẫn đến rất nhiều người phải bỏ mạng oan uổng vì không kịp xuống núi khi xảy ra vấn đề sức khoẻ ngoài ý muốn.

Thảm hoạ xảy ra khi đường lên 'nóc nhà thế giới' kẹt cứng bởi những kẻ thiếu kinh nghiệm

Ed Dohring, đến từ Arizona, đã quyết tâm thực hiện ước mơ duy nhất trong cuộc đời mình là chinh phục "nóc nhà thế giới" nhưng giấc mơ đó bỗng nhiên trở nên chua chát khi ông chứng kiến con đường lên núi tắc nghẽn bởi những người không có kinh nghiệm leo núi. Mục đích chính của họ chỉ là lên đây chụp ảnh tự sướng và khoe mẽ trên mạng xã hội về Everest.

Ông kể lại trải nghiệm của mình với tờ New York Times:

Thật đáng sợ. Núi Everest trong những ngày này chẳng khác nào sở thú.

Dohring là một bác sĩ, ông đi cùng chuyến thám hiểm với Christopher Kulish, người vừa trở thành nạn nhân thứ 11 thiệt mạng trên núi Everest.

Kulish là một nhà leo núi có kinh nghiệm, ông ấy đã chết khi chạm được đỉnh vì một cơn đau tim đột ngột.

Nhiều chuyên gia đánh giá năm 2019 là năm nguy hiểm nhất đối với những người leo Everest kể từ năm 2012, đến nay đã có 11 người chết. Tất cả họ đều thiệt mạng trong mùa cao điểm.

Dohring còn gặp phải một nhóm người mà ông mô tả là rất "thô lỗ và ngang bướng", về cơ bản họ chỉ cố leo lên đây để chụp ảnh chứ không hề quan tâm đến sự an toàn của mình và người khác.


Dohring tiếp tục với đài CBS:

Tôi rất ngạc nhiên khi chứng kiến sự đông đúc ở một nơi cao gần 8.000 mét thế này, nơi này thực sự không phù hợp với những người không có kinh nghiệm và đủ sức khoẻ leo núi. Hậu quả của việc này là khiến những người đam mê thực sự, có kinh nghiệm như Kulish phải chết.

Tôi chắc chắn mình chưa chuẩn bị tâm lý cho việc bước qua các xác chết trên đường chinh phục Everest.

Các quan chức Nepal đã cấp 367 giấy phép leo núi cho người nước ngoài. Sự gia tăng này xuất hiện khi các công ty tour du lịch leo núi bắt đầu cung cấp những gói chi phí thấp hơn dành cho những người leo núi không chuyên nghiệp. Chắc chắn nó đã trở thành nguyên nhân gây nguy hiểm cho những người leo núi khác.

Các hướng dẫn viên đang làm việc ở vùng núi thuộc Nepal hiện phải chuyển sang phía Tây Tạng vì họ sợ sẽ có nhiều người chết hơn nữa.

Lukas Furtenbach, một trong những hướng dẫn viên lâu năm bộc bạch:

Sự việc này có thể sẽ không được cải thiện. Có rất nhiều tham nhũng trong chính phủ Nepal. Họ sẽ thu lợi tối đa.

Chính phủ Nepal đã phủ nhận rằng đây là lỗi của họ, họ cho rằng vì những tháng này có thời tiết tốt nên khách du lịch kéo đến đây là chuyện bình thường.

Danduraj Ghimire, tổng giám đốc bộ du lịch của Nepal cho biết:

Nếu các bạn thực sự muốn hạn chế số lượng người leo núi, hãy dừng mọi kinh doanh các chuyến thám hiểm trên ngọn núi linh thiêng của chúng tôi.

Một số ý kiến khác thì cho rằng những người leo núi cũng rất tàn nhẫn, họ chỉ quan tâm đến chuyện leo đến đỉnh, thậm chí bỏ qua sự đau khổ và khó khăn của người khác.

Reather Alee, 18 tuổi đến từ Kashmir, chia sẻ ý kiến:

Tôi bày tỏ ý muốn xuống núi và về nước nhưng chẳng ai đồng ý cả. Mọi người thực sự bị ám ảnh bởi cái đỉnh núi kia. Họ thậm chí còn tự sát nếu không chinh phục được đỉnh Everest.

Một người phụ nữ khác cũng nói rằng cô thấy nhiều người gục xuống đất nhưng không ai dừng lại để cung cấp cho họ oxy vì sợ mình cũng sẽ chết. Cảnh tượng đó thật kinh khủng!

Fatima Deryan, một người leo núi có kinh nghiệm cũng kể lại rằng khi sắp lên đến đỉnh, cô thấy một số người bị ngất. Khi quay lại cứu họ, Deryan nhận ra rằng chia sẻ oxy sẽ khiến cô mất mạng vì chặng đường vẫn còn rất xa.


Một số trường hợp tử vong thì gây ra bởi dòng người đông đúc khiến quá trình vận chuyển người gặp nạn đến trạm cứu hộ không được diễn ra nhanh chóng.

Đa số người leo núi chết trong "vùng tử thần", ở độ cao gần 8.000 m so với mực nước biển vì họ không đủ oxy để sống sót.


Nepal hiện không có chính sách nghiêm ngặt dành cho những khách du lịch muốn leo núi Everest. Tất cả những gì họ làm là dễ dàng cấp giấy phép và cung cấp cho họ hướng dẫn viên.

Dohring khẳng định mình đã dành nhiều năm và tiền bạc để thu nhặt kinh nghiệm leo núi. Ông tập luyện và tham gia leo những ngọn núi thấp hơn để duy trì sức khoẻ thật tốt trước khi đăng ký chinh phục Everest. Đối với Dohring, Everest là một ngọn núi linh thiêng, để bước đi trên đó, ai cũng cần chuẩn bị thật tốt. Ông mong rằng những cái chết đau thương này sẽ cảnh tỉnh mọi người.

Phía núi Everest thuộc Trung Quốc được quản lý nghiêm ngặt hơn, chính phủ nước này cũng ra lệnh hạn chế khách du lịch để giảm tình trạng ô nhiễm môi trường. Nếu Nepal cũng thực hiện tương tự, số người chết oan uổng cũng có thể vì vậy mà giảm xuống.