Giao thông Thủ đô có nhiều chuyển biến tích cực

Trong 6 tháng đầu năm 2018, giao thông trên địa bàn Thủ đô đã có nhiều chuyển biến tích cực như công tác phân luồng giao thông đạt hiệu quả cao, đã giảm dần các “điểm đen” ùn tắc, tổ chức hiệu quả giao thông phục vụ các công trình của Thành phố...

Tăng cường công tác phân luồng giao thông

Để công tác tổ chức, phân luồng giao thông có hiệu quả, thời gian qua, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội đã chỉ đạo lực lượng Thanh tra Sở phối hợp với CSGT, Công an các phường, các lực lượng chức năng chốt trực, hướng dẫn phân luồng giao thông tại 89 vị trí có nguy cơ ùn tắc giao thông.

Đồng thời, các lực lượng đã tổ chức phân luồng, bảo đảm giao thông tại 30 điểm bắn pháo hoa và các ngày lễ lớn như: Giỗ tổ Hùng Vương 10/3; Ngày Giải phóng miền nam thống nhất đất nước 30/4 và Quốc tế lao động 1/5…

Các lực lượng chức năng tổ chức phân luồng khoa học và có hiệu quả giao thông phục vụ các công trình trên địa bàn Thành phố như: Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh-Hà Đông; thi công ga ngầm S9, S10 thuộc tuyến đường sắt Nhổn-ga Hà Nội; đường Vành đai 3 đoạn Mai Dịch-Nội Bài; cầu vượt nút giao An Dương-đường Thanh niên, các dự án chỉnh trang trên địa bàn Thành phố...

Bên cạnh đó, Sở GTVT đã điều chỉnh tổ chức giao thông trên một số tuyến đường, lắp đặt bổ sung đèn tín hiệu kết hợp cải tạo hạ tầng một số nút giao thông nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông, bảo đảm an toàn giao thông. Đã thực hiện cấp 455 giấy phép tạm thời sử dụng lòng đường (phố) để dừng, đỗ xe ô tô; 2.861 giấy phép lưu hành xe tải đi vào phạm vi hạn chế hoạt động; 303 giấy phép thi công các công trình ngầm trên địa bàn Thành phố.

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, thời gian qua nhiều tuyến đường đã được điều chỉnh tổ chức và thu được hiệu quả. Một số tuyến giao thông đã được lắp đặt, bổ sung thêm đèn tín hiệu kết hợp cải tạo hạ tầng nhằm giảm thiểu ùn tắc, bảo đảm an toàn giao thông.

Chẳng hạn như các trục đường: Liên Mạc, Hoàng Tăng Bí; thực hiện điều chỉnh tổ chức giao thông thí điểm trên cầu Thanh Trì; điều chỉnh tổ chức giao thông nút Trâu Quỳ-Quốc lộ 5 nút Linh Đường-Ngọc Hồi-Giải Phóng, nút Cầu Giấy-Xuân Thủy-Nguyễn Phong Sắc, nút Hà Nội-Hưng Yên, nút La Thành-Hoàng Cầu…

Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2018, Hà Nội đã xử lý được 2/37 điểm ùn tắc giao thông (La Thành-Nguyễn Chí Thanh, khu vực cầu Tó).

Song song với công tác tổ chức phân luồng giao thông, công tác quản lý vận tải cũng được Sở GTVT Hà Nội hết sức chú trọng. Hiện nay toàn mạng lưới tuyến xe buýt trên địa bàn Thành phố có 111 tuyến (92 tuyến trợ giá, 9 tuyến không trợ giá và 10 tuyến kế cận). Sản lượng vận chuyển hành khách công cộng 6 tháng đầu năm 2018 đạt gần 2,38 triệu lượt xe với 172,15 triệu lượt hành khách.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, đã thực hiện điều chỉnh 26 tuyến buýt theo tổ chức giao thông; điều chỉnh hợp lý hóa mạng lưới đối với 13 tuyến buýt; mở rộng phục vụ đối với 2 tuyến buýt; mở mới 2 tuyến buýt (số 108, 212) và tuyến xe buýt 2 tầng City tour; tạm dừng hoạt động đối với 1 tuyến không trợ giá (tuyến số 80); thay mới 31 phương tiện.

Đẩy mạnh công tác xử lý, chấn chỉnh vi phạm giao thông

Theo Sở GTVT Hà Nội, trong những tháng cuối năm nhiệm vụ trọng tâm về công tác liên quan là tiếp tục rà soát, lên phương án tổ chức, phân luồng giao thông để phục vụ cho việc thi công các công trình trọng điểm trên địa bàn Thành phố.

Sở cũng tiếp tục triển khai xây dựng phương án xử lý các vị trí ùn tắc giao thông, các “điểm đen” tai nạn. Tăng cường chỉ đạo Thanh tra Sở GTVT phối hợp với các lực lượng CSGT, Công an các phường… chốt trực, hướng dẫn phân luồng tại các điểm thường xuyên có nguy cơ ùn tắc

Đôn đốc các đơn vị thực hiện công tác quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ; công tác duy tu, sửa chữa đèn tín hiệu giao thông kịp thời để bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn, nhất là trên các tuyến phố chính có lưu lượng phương tiện giao thông cao, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân.

Hoàn thiện quy trình quản lý, sử dụng dịch vụ trông giữa xe theo hình thức iparking, báo cáo UBND Thành phố. Triển khai việc cấp phép và ứng dụng công nghệ iparking tại các điểm trông giữa phương tiện giao thông từ 1/7/2018.

Đồng thời, triển khai thực hiện 3 tuyến buýt sử dụng nhiên liệu sạch (khí CNG); tiếp tục mở mới các tuyến buýt theo Đề án “Nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt ở Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025”.

Đặc biệt, Sở sẽ tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động vận tải đường bộ, đường thủy nội địa như: “Xe dù, bến cóc”, xe dừng đỗ, đón trả khách sai quy định gây ùn tắc giao thông và vi phạm trật tự an toàn giao thông...

Cùng với đó, sẽ tiếp tục thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy nội địa, giải tỏa các vi phạm lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, trông giữ xe trái phép; lấn chiếm lòng đường hoạt động buôn bán. Tập trung xử lý dứt điểm đối với xe quá khổ, xe chở quá tải trọng trên các tuyến đê để bảo đảm tuyệt đối an toàn giao thông trong mùa mưa lũ.

Thùy Linh/VGP